Cuối tháng 4, Khoa Đột quỵ Bệnh viện Quân y 103 tiếp nhận chàng trai 20 tuổi trong tình trạng hôn mê sâu, nồng nặc mùi rượu. Người này không giấy tờ tùy thân, không điện thoại, không ví tiền, không ai đi cùng. Hồ sơ ghi vỏn vẹn hai chữ "vô danh".
Kết quả chẩn đoán cho thấy nam thanh niên bị chấn thương sọ não kèm đột quỵ sau tai nạn giao thông, cần phẫu thuật ngay. Không có người đại diện ký cam kết mổ, kíp trực ban đầu còn chần chừ vì lo rủi ro pháp lý.
“Không ký cam kết, nếu có chuyện gì ai chịu trách nhiệm?”, một bác sĩ lo lắng.
“Một giây lúc này còn quý hơn vàng”, PGS.TS.BS Đỗ Đức Thuần, Chủ nhiệm khoa, nói khi đứng trước quyết định sinh tử của người bệnh. Ông cùng đồng nghiệp đưa bệnh nhân vào phòng phẫu thuật, đồng thời báo cáo lãnh đạo bệnh viện và thông báo phòng công tác xã hội tìm thân nhân.
Ca mổ thành công. Hai ngày sau, bệnh nhân hồi tỉnh, được xác định danh tính, có người nhà đến bệnh viện. Bác sĩ Thuần thở phào: "Nếu không can thiệp, em ấy sẽ chết trong cô độc, rất ám ảnh. Bác sĩ là người gác cổng sinh tử, không thể bỏ mặc”.

Bác sĩ kiểm tra sức khoẻ cho người bệnh không có người thân. (Ảnh: Thanh Đặng)
Trường hợp này không cá biệt. Thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận thanh niên cũng khoảng 20 tuổi, được người dân đưa vào sau tai nạn không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân không có tên tuổi, giấy tờ hay người đi cùng.
Thanh niên này bị chấn thương sọ não nặng, tụ máu dưới màng cứng bán cầu phải, phù não lan tỏa. Tình trạng chuyển biến nhanh, bệnh nhân rơi vào hôn mê, tụt điểm Glasgow từ 12 xuống 7, đồng tử giãn, sinh hiệu giảm mạnh.
“Chờ người nhà là mất thời gian vàng. Lúc đó, chúng tôi chỉ có một mục tiêu là giải phóng máu tụ, cứu lấy phần não còn sống”, BSCKII Nguyễn Quang Thành, bác sĩ trực tiếp phẫu thuật, nói.
Ca mổ kéo dài ba tiếng, não bộ bắt đầu hồi đáp sau mổ, sinh hiệu dần ổn định. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực, trong khi bệnh viện tìm cách liên hệ người thân.
Ở Khoa Cấp cứu, nơi thời gian gắn liền với sinh mạng, các bác sĩ thường xuyên đối mặt với những bệnh nhân "vô thẻ, vô thân". Hai áp lực lớn nhất với họ là có nên can thiệp chuyên sâu khi chưa rõ bệnh sử và nếu có biến chứng, ai sẽ chịu trách nhiệm.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định cơ sở y tế không được từ chối hoặc chậm trễ cấp cứu, kể cả khi chưa có người đại diện hợp pháp. Ưu tiên lúc này là nhân lực, thuốc men, thiết bị. Sau khi ổn định mới được thu tạm ứng viện phí, không được đẩy người bệnh ra ngoài chỉ vì chưa có danh tính hay bảo hiểm.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng (trái) cũng từng tiếp nhận nhiều ca bệnh không có người thân khi vào viện cấp cứu. (Ảnh: Như Loan)
TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết dù quy trình cấp cứu đòi hỏi hội chẩn, giấy cam kết, nhưng thực tế bác sĩ phải linh hoạt, đặc biệt trong "thời gian vàng". “Chờ đủ thủ tục là mất bệnh nhân. Cứu sống rồi mới lo giấy tờ”, ông nói.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhấn mạnh, trong tình huống nguy kịch, bác sĩ có quyền quyết định can thiệp chuyên môn, không cần chờ ký cam kết. Nếu bệnh nhân không qua khỏi, bác sĩ vẫn được pháp luật bảo vệ, không thể lấy lý do "thiếu chữ ký" để đổ lỗi.
Mỗi năm, các bệnh viện tiếp nhận không ít ca “vô danh”. Ở mỗi ca, bác sĩ đều đứng giữa hai làn ranh - một bên là sinh mạng con người, bên còn lại là thủ tục và rủi ro. Phần lớn họ chọn hành động.