Nằm ở vùng núi phía Tây tỉnh Hà Tĩnh, giáp biên giới Việt – Lào, Vườn Quốc gia Vũ Quang được ví như “viên ngọc xanh” giữa dãy Trường Sơn. Với diện tích hơn 57.000 ha, nơi đây hội tụ hệ sinh thái rừng nhiệt đới đa dạng, cảnh quan hùng vĩ, khí hậu trong lành và nền văn hóa bản địa phong phú.
Vườn Quốc gia Vũ Quang sở hữu mạng lưới núi non, thung lũng và sông suối đan xen. Nổi bật nhất là đỉnh Rào Cỏ, cao gần 2.300m và hệ thống sông hồ như Ngàn Trươi, Đá Hàn, Thang Đày, Khe Trươi… tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ.
![]() |
Vườn Quốc gia Vũ Quang sở hữu mạng lưới núi non, thung lũng và sông suối đan xen. |
Không chỉ giàu tiềm năng cảnh quan, Vườn Quốc gia Vũ Quang còn là kho báu sinh học quý hiếm với hơn 1.600 loài thực vật, gần 600 loài động vật. Trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ như Sao la, Vượn đen má trắng, Thỏ vằn Trường Sơn, gà lôi lam mào trắng, bò tót, hươu vàng… Đây là một trong số ít khu rừng đặc dụng ở Việt Nam được đánh giá có tính đa dạng sinh học cao nhất, đồng thời là vùng lõi của hành lang xanh Trường Sơn.
Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Vũ Quang, thời gian qua đơn vị đã triển khai đồng bộ với các hoạt động nhiệm vụ như tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng tại gốc với sự vào cuộc của 10 trạm kiểm lâm, 1 đội cơ động trực thuộc và các bên liên quan. Những tổ được thực hiện với nhiệm vụ khác nhau với mật độ tuần tra rừng từ 2-3 đợt/tháng/trạm thực hiện trên toàn bộ diện tích rừng hơn 57 ngàn ha được giao quản lý.
![]() |
Cảnh quan bên trong Vườn Quốc gia Vũ Quang. |
Cùng với đó phối hợp, truy quét, nắm bắt thông tin với các cơ quan, đơn vị và chính quyền trên địa bàn như công an, biên phòng tại 3 huyện là Vũ quang, Hương Khê và Hương Sơn trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Ngoài ra tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đa dạng sinh học đến nhiều đối tượng trong xã hội như dân cư cộng đồng vùng đệm, các trường học trên địa bàn. Từ đó nâng cao nhận thức và sự chung tay của toàn xã hội trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và các loài hoang dã nguy cấp quý hiếm nói riêng. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.
Đánh thức “viên ngọc xanh”
Với hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan đặc sắc và vị trí chiến lược giáp biên giới, Vườn Quốc gia Vũ Quang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái bền vững. Nhằm cụ thể hóa các định hướng phát triển kinh tế xanh, bảo tồn thiên nhiên gắn với sinh kế cộng đồng, mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn Quốc gia Vũ Quang giai đoạn 2025-2030 với mục tiêu bảo tồn thiên nhiên gắn với sinh kế bền vững cho cộng đồng.
![]() |
Cảnh quan bên trong Vườn Quốc gia Vũ Quang. |
Theo đề án, Vườn Quốc gia Vũ Quang sẽ là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện các hoạt động phát triển du lịch. Đến năm 2030, dự kiến khu vực này sẽ thu hút ít nhất 15.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 8%, tỷ lệ lưu trú đạt 30% và doanh thu từ du lịch đạt tối thiểu 20 tỷ đồng. Đề án cũng đặt mục tiêu tạo việc làm cho khoảng 500 lao động và thu hút ít nhất 5 nhà đầu tư hợp tác phát triển.
Đề án xác định 8 điểm du lịch trọng tâm trên diện tích hơn 18.000ha và 5 tuyến du lịch khám phá sinh thái được quy hoạch đồng bộ. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 672 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa chiếm hơn 97%.
![]() |
Vườn Quốc gia Vũ Quang còn là kho báu sinh học quý hiếm với hơn 1.600 loài thực vật, gần 600 loài động vật. |
Việc triển khai sẽ thực hiện theo hình thức tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng, đảm bảo tuân thủ Luật Lâm nghiệp và Nghị định 91/2024/NĐ-CP. Tất cả hạng mục xây dựng đều được yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, rừng và văn hóa bản địa.
Đề án cũng đề ra 13 nhóm giải pháp đồng bộ về bảo vệ rừng, hạ tầng du lịch, huy động vốn, quảng bá, chuyển đổi số, đảm bảo an toàn an ninh và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Việc phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Vũ Quang không chỉ hướng tới bảo tồn hệ sinh thái quý giá, mà còn tạo sinh kế bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho khu vực biên giới phía Tây Hà Tĩnh.