Hoá đơn tiền điện khiến nhiều người “choáng váng”
Nhận được thông báo đóng tiền điện được 3 ngày rồi nhưng chị Bùi Thị Hương, trú tại thôn Sỏi, xã An Nghĩa, tỉnh Phú Thọ vẫn chưa hết choáng váng vì số tiền cao không tưởng.
“Trung bình nhà tôi dùng hết từ 900 nghìn đồng đến khoảng 1,4 triệu đồng tiền điện một tháng. Tháng Tết, cả nhà đông đủ, dùng nhiều thì tiền điện cao nhất cũng chỉ hết 1,6 triệu đồng. Vậy mà tháng này hết tận 2,6 triệu đồng tiền điện cho 774 số điện. Không thể như thế được”, chị Hương nói.

Nhiều người "hoa mắt chóng mặt" vì hoá đơn tiền điện tăng cao. (Ảnh minh hoạ)
Theo chị Hương, chồng chị đi làm xa, nhà chị có 3 mẹ con ở nhà. Tháng 6, con gái lớn nhà chị nghỉ hè nên về quê chơi, nhà chỈ có 2 mẹ con. Lượng điện tiêu thụ ít hơn tháng trước nhưng tiền điện lại tăng hơn gấp đôi.
Thấy quá bất thường, chị Hương liền gọi cán bộ điện lực qua kiểm tra. Ngày đầu tiên, khi chị Hương sử dụng điện thắp sáng, bật quạt làm mát, tủ lạnh và nấu cơm thì công tơ điện tăng 10kWh.
Đến ngày tiếp theo, chị bật tất cả các thiết bị điện hiện có trong nhà như bình nóng lạnh, điều hoà suốt một ngày, công tơ điện tăng thêm 12kWh so với ngày hôm trước. Như vậy, tổng 2 ngày nhà chị Hương dùng hết 22kWh điện.
“Nếu nhà tôi dùng hết các thiết bị điện trong 1 ngày hết 12kWh thì 1 tháng 30 ngày cũng chỉ hết 360kWh. Vậy tại sao tháng vừa rồi hết tận 744kWh trong khi thời tiết mát mẻ, mưa nhiều nên lượng điện sử dụng ít hơn tháng trước mà tiền điện lại gấp đôi?”, chị Hương thắc mắc.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Bình, trú tại thôn Đại Hội, phường Thái Bình, tỉnh Hưng Yên cũng choáng váng khi nhận được thông báo tiền điện tháng 6 của gia đình hết 1,8 triệu đồng.
“Nhà tôi trung bình mỗi tháng dùng chỉ hết 500 nghìn đồng/tháng tiền điện. Tháng trước tăng lên 800 nghìn đồng, tháng này bất ngờ lên hẳn 1,8 triệu đồng. Khủng khiếp”, chị Bình nói.
Theo chị Bình, cả nhà chị đều đi làm cả ngày, chỉ có bà chị ở nhà. Hôm nào nóng quá mới bật điều hoà một chút vào buổi trưa. Chị nghĩ tiền điện tăng là do dùng điều hoà nhưng không nghĩ là tăng khủng khiếp như vậy.
Trên các hội nhóm, diễn đàn mạng xã hội, chủ đề tiền điện đang "nóng" hơn bao giờ hết. (Ảnh chụp màn hình)
Đặc biệt, anh Nguyễn Minh Hiếu, trú tại thôn Co Măn, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn cho biết, hoá đơn tiền điện anh mới nhận về tăng gấp 10 lần các tháng trước khiến anh bàng hoàng.
“Tôi kinh doanh đến nay là gần 1 năm. Hoá đơn tiền điện hàng tháng tôi lưu đủ và duy trì ổn định, nhiều nhất cũng chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Thậm chí, có tháng dùng ít, tiền điện chỉ khoảng 300-400 nghìn đồng. Tháng vừa qua, nhà tôi dùng bình thường, không có gì đột biến nhưng hoá đơn tiền điện lên tới 10 triệu đồng, gấp 10 lần là quá bất thường”, anh Hiếu cho hay.
Theo anh Hiếu, vì là cơ sở sản xuất, tiền điện tính luôn vào giá thành sản phẩm nên anh kiểm soát rất kỹ mọi thiết bị điện. Tiền điện tăng bất thường như tháng vừa qua là quá bất cập cho cơ sở kinh doanh nhỏ như bên anh.
Thấy tiền điện bất thường và tăng lên 10 lần so với bình thường, anh Hiếu có khiếu nại lên phía điện lực và chờ đợi họ đến kiểm tra.
Nguyên nhân nào khiến tiền điện tăng vọt?
Trên các hội nhóm, mạng xã hội, mỗi ngày có hàng trăm bài viết với hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ nói về vấn đề hoá đơn tiền điện. Đa số các ý kiến cho rằng, hoá đơn tiền điện mới nhận được của gia đình đều tăng gấp rưỡi, gấp đôi.
Nhiều người cho rằng, do giá điện tại Việt Nam đã tăng từ 10/5/2025 với mức tăng là 4,8% so với giá trước đó, nâng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Điều này dẫn đến việc các hộ gia đình sẽ phải trả thêm tiền điện hàng tháng.
Giá điện tăng cũng một phần khiến hoá đơn tiền điện tăng cao trong tháng này. (Ảnh: EVN).
Ngoài ra, một số người cho rằng, do thời tiết bắt đầu nắng nóng, các thiết bị điện hoạt động hết công suất đã khiến tiền điện tăng cao.
Theo nghiên cứu, điều hòa nhiệt độ là thiết bị tiêu tốn điện năng nhiều nhất trong mùa hè. Lượng tiêu thụ điện của điều hòa nhiệt độ chiếm từ 28-64%, có khi đến 80% tổng lượng điện tiêu thụ của gia đình. Nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng từ 2-3% tùy loại. Nếu nhiệt độ tăng lên 5 độ C thì lượng điện tiêu thụ tăng 10%.
Chính bởi nguyên lý vận hành trời càng nóng thì máy điều hòa càng tốn điện, do đó, có thể cùng mức sử dụng 8-10 tiếng/ngày, nhưng điều hòa chạy trong nền thời tiết 35-40 độ C sẽ tốn điện hơn hẳn dịp đầu hè, khi nền nhiệt độ khoảng 30-35 độ C.
Hiểu rõ điều này, người sử dụng điện sẽ tìm được lời giải cho thắc mắc: Vì sao thời gian dùng điều hòa cũng như tháng trước, nhưng tiền điện tăng thêm.
Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng tiền điện tăng cao là bất thường, không rõ nguyên nhân, cần đưa ra lý do chính đáng và biện pháp khắc phục, xử lý thoả đáng, giúp người dân yên tâm sử dụng điện trong mùa nắng nóng.