Trong văn bản gửi các sở, ngành và tổ chức liên quan, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018/NĐ-CP – văn bản pháp lý nền tảng trong quản lý an toàn thực phẩm hiện nay. Động thái này được đưa ra sau nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận như sản phẩm kẹo rau củ Kera quảng cáo sai công dụng, hay các đường dây sản xuất - tiêu thụ sữa bột giả, thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn.
Theo đó, Bộ Y tế đã có văn bản số 2921/BYT-ATTP báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng tại cuộc họp ngày 15/5/2025, đề xuất bổ sung hàng loạt quy định nhằm khắc phục những bất cập hiện hành, phù hợp hơn với thực tiễn quản lý và thông lệ quốc tế. Dự thảo này cũng được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Chấm dứt tình trạng “tự phong công dụng”, thực phẩm bổ sung phải đăng ký công bố sản phẩm
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ cần tự công bố sản phẩm và hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm ở mức tối thiểu, tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp “tự phong” nhóm sản phẩm, quảng cáo công dụng quá đà nhưng vẫn được lưu hành.
Dự thảo mới yêu cầu cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố phải có trách nhiệm phản hồi, công khai thông tin, lập kế hoạch hậu kiểm và giám sát chất lượng sản phẩm nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm. Đặc biệt, thực phẩm bổ sung – một phân nhóm trong thực phẩm chức năng – sẽ phải đăng ký bản công bố sản phẩm trước khi lưu thông, đồng thời phải kiểm soát nội dung quảng cáo để tránh gây hiểu lầm.
![]() |
Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm nếu có dấu hiệu vi phạm, triển khai hậu kiểm định kỳ và đột xuất. Việc phân loại sản phẩm sẽ không còn “tùy hứng” của doanh nghiệp.
Hàng loạt nhóm thực phẩm đặc biệt sẽ phải đăng ký công bố, đạt chuẩn quốc tế
Bộ Y tế cũng đề xuất quy định yêu cầu đăng ký bản công bố sản phẩm trước khi lưu thông đối với các nhóm: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ trên 36 tháng tuổi.
Ngoài ra, cơ sở sản xuất các nhóm này phải đạt chuẩn quốc tế như HACCP, GMP, ISO 22000… thay vì chỉ cần đáp ứng điều kiện sản xuất thông thường như trước. Mục tiêu nhằm kiểm soát chặt chẽ thành phần, công dụng sản phẩm ngay từ khâu nghiên cứu – phát triển đến lưu thông.
Siết chặt hậu kiểm, công khai chỉ tiêu chất lượng
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi là yêu cầu doanh nghiệp phải công bố cả chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, không chỉ dừng ở kiểm nghiệm an toàn như hiện hành. Lâu nay, nhiều doanh nghiệp lợi dụng sơ hở này để “lách” công bố, đưa ra sản phẩm có chất lượng thấp hơn công bố mà vẫn không vi phạm luật.
Dự thảo mới cũng cụ thể hóa quy trình hậu kiểm: lập kế hoạch hậu kiểm định kỳ, đột xuất, cho phép cơ quan kiểm nghiệm chủ động lấy mẫu, kết nối dữ liệu xuyên suốt từ trung ương tới địa phương thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đây được kỳ vọng là bước tiến lớn trong quản lý thực phẩm đồng bộ và minh bạch.
Xử lý triệt để sản phẩm “đội lốt xuất khẩu” tiêu thụ nội địa
Một kẽ hở lớn khác đang bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng là đưa sản phẩm sản xuất để xuất khẩu (vốn không đạt chuẩn trong nước) quay lại tiêu thụ nội địa. Nghị định 15 hiện hành chưa có quy định cụ thể về trường hợp này.
![]() |
Dự thảo mới sẽ bổ sung quy định kiểm soát chặt điều kiện đối với thực phẩm chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc quay về tiêu thụ trong nước, tránh tình trạng “hàng rớt chuẩn xuất khẩu” lại tuồn về nội địa, gây rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng.
Siết quảng cáo thực phẩm trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử
Quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng, trên nền tảng số hiện rất khó kiểm soát. Dự thảo lần này sẽ bổ sung hàng loạt quy định nhằm siết chặt hoạt động quảng cáo, từ doanh nghiệp phát hành, người chuyển tải quảng cáo đến người có ảnh hưởng (KOLs).
Theo đó, các mối quan hệ giữa người quảng cáo và đơn vị tài trợ phải được công khai minh bạch. Bộ Y tế cũng dự kiến xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong quảng cáo thực phẩm để định hướng hành vi, ngăn chặn việc quảng cáo sai lệch, gây ngộ nhận về công dụng sản phẩm.
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15 hiện đang trong giai đoạn lấy ý kiến, với kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong quản lý thực phẩm – từ khâu công bố, sản xuất, quảng cáo đến hậu kiểm – góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và bình ổn thị trường thực phẩm vốn đang rất “nóng” hiện nay.