Saigon Asset Management (SAM) vừa công bố ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược với ông Sam Van, cựu Giám đốc niêm yết quốc tế tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE). Ông Sam Van cũng là chuyên gia tài chính và thị trường vốn tại Mỹ, ông đã tư vấn cho 60 công ty chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) Mỹ.
Thông qua hợp tác này, hai bên được biết hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có nhu cầu huy động vốn và niêm yết tại thị trường Mỹ. Bởi, theo quan sát nhu cầu huy động vốn và niêm yết tại thị trường quốc tế của DN Việt rất lớn. Trong khi, sự hiểu biết về quy trình thực hiện, mức độ phức tạp… khiến việc niêm yết sàn ngoại của DN Việt còn hạn chế.
“Đầu tư vào Việt Nam khiến nhà đầu tư cảm thấy thích thú và mới mẻ ”
Tính đến thời điểm hiện tại, một vài thương vụ có kế hoạch gọi vốn và niêm yết bên thị trường Mỹ chỉ dừng lại ở những tên tuổi lớn như VinFast, The CrownX (Công ty bán lẻ tiêu dùng của Masan), Tiki.
Ở chiều ngược lại, đầu tư vào Việt Nam – một nền kinh tế năng động bậc nhất châu Á và DN Việt cũng là nhu cầu sẵn có của các nhà đầu tư nước ngoài.
“Thử đặt câu hỏi: Hiện nay có được bao nhiêu đất nước 100 triệu dân nhận được vốn ngoại nhiều ? Nếu kể tên thì ngoài Việt Nam, nổi trội có Ấn Độ, Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế Ấn Độ đã khá ổn định , thì Trung Quốc đang có những thay đổi về thể chế... do đó đầu tư vào Việt Nam khiến nhà đầu tư cảm thấy thích thú và mới mẻ ”, ông Sam Van nói.
Thực tế minh chứng, Việt Nam đang rất thu hút nước ngoài đầu tư vào các mảng hạ tầng, năng lượng… Riêng Chính phủ Mỹ được biết cũng có nguồn vốn đầu tư vào các công ty châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, tập trung vào nhóm DN có lãnh đạo là phụ nữ, năng lượng xanh, nông nghiệp....
Thông tin từ ông Louis Nguyễn – Chủ tịch SAM - cho biết, Mỹ thậm chí có quỹ đầu tư như vậy với giá trị lên đến 60 tỷ USD, trong đó thương vụ mới nhất có thể kể tên là Tập đoàn tài chính Mỹ - DFC – vừa rót 200 triệu USD vào SeaBank (SEA) của Việt Nam. Chưa kể, Mỹ cũng sẵn sàng hỗ trợ vốn để công ty Việt Nam mua hàng Mỹ như thiết bị y tế, máy bay, thiết bị sân bay. Đơn cử, Vietravel đang có nhu cầu và tư vấn mua máy bay Mỹ cho thời gian tới.
Dưới góc nhìn của mình, ông Sam Van chia sẻ: “Giai đoạn hơn 10 năm về trước đã có nhiều công ty châu Á xu hướng IPO tại sàn NewYork của Mỹ, đơn cử là công ty Tencent (Trung Quốc). T ừ đó , tôi cũng bắt đầu quan tâm về việc IPO, thương vụ đầu tiên tôi tham gia tư vấn có giá trị là 200 triệu USD, giá trị công ty này sau đó tăng lên 2 tỷ USD và rồi lên 5 t ỷ USD…
Và Việt Nam, từ năm 2015 tôi có tham gia trong quá trình Sở GDCK Tp.HCM (HSX) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) ký kết một số hợp tác với sàn Mỹ ”.
Vài năm trở lại đây, một con số rất bất ngờ là ngày càng nhiều DN muốn mở rộng hoạt động ra khỏi thị trường nội địa. Thống kê, nếu sàn chứng khoán có 5.000-6.000 công ty Mỹ niêm yết, thì đến hơn 1.000 công ty nước ngoài từ 45 quốc gia khác nhau – tức chiếm tỷ trọng 20-22%. Điều này cho thấy nhu cầu niêm yết Hoa Kỳ có từ rất lâu, và hiện có nhiều đơn vị đã đi trước, để lại kinh nghiệm cho công ty Việt Nam hiện nay muốn IPO.
“Tôi nghĩ DN Việt Nam có khả năng huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ . Khi, dòng vốn lớn trong khi nhà đầu tư chấp nhận việc một công ty còn lỗ thời gian đầu. Vì chúng t ôi đầu tư vào công ty có tiềm năng và tốc độ tăng ổn định , mà không chú trọng vào việc DN có thu nhập ròng (net income) dương hay không. Đây là điểm khác biệt ”, ông Sam Van nói.
Đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn trong nước thu hẹp, đơn cử kênh chứng khoản giảm sút, vốn tín dụng siết…, huy động vốn nước ngoài tại Việt Nam đã và đang tăng nhiều. Song, chủ yếu DN kêu gọi là vốn từ Hongkong, Singapore..., đơn cử có Tập đoàn Nova (NVL), Vinamilk (VNM); trong khi huy động và niêm yết tại Mỹ chưa nhiều.
Nhìn chung, hợp tác lần này hướng đến việc hỗ trợ các DN Việt Nam tìm kiếm nguồn vốn tại Mỹ, cũng như tiến đến niêm yết sàn NYSE hoặc NASDAQ.
Làm sao để bảo vệ nhà đầu tư khi mời họ rót tiền vào một DN còn lỗ?
Câu hỏi đặt ra, việc chấp nhận một DN thua lỗ trong thời gian đầu, “người môi giới” có những tiêu chí đáng tin cậy nào để nhận biết một DN tốt? Và ngược lại, làm sao đảm bảo rủi ro tối thiểu cho nhà đầu tư tham gia rót vốn?
Trả lời, ông Sam Van cho biết thực tế, khi một DN niêm yết trên sàn Mỹ thì có ba thông số sẽ được chú trọng, đánh giá. Bao gồm:
Thứ nhất là thông qua các báo cáo tài chính, bản cân đối kế toán: Đây là những con số định lượng được như doanh thu, cơ cấu vốn, nợ...;
Thứ hai là thị trường: Định giá công ty sẽ tuỳ thuộc vào quy mô, tiềm năng thị trường mà công ty đó tham gia. Đặc biệt là mô hình kinh doanh công ty đó lựa chọn có phù hợp và hiệu quả không?;
Thứ ba là chất lượng công ty: Để đánh giá tiêu chí này trước tiên sẽ nhìn vào chất lượng lãnh đạo, định hướng của công ty và hơn hết là việc quản trị doanh nghiệp (các công ty ở Mỹ có yêu cầu rất cao về điều này).
Về phía nhà đầu tư, tất cả các thông số về DN sẽ được ghi chi tiết, minh bạch trên một “form” tài liệu. Như vậy, nhà đầu tư có thể nhìn vào đó để đánh giá được tại sao DN thua lỗ, tại sao DN có được doanh thu… một cách chi tiết, hay thậm chí có thể so sánh DN này với đơn vị khác cùng ngành để đưa ra quyết định.
Riêng việc niêm yết trên sàn, DN cũng phải đáp ứng được các tiêu chí về giao dịch, ví dụ phải duy trì vốn tối thiểu 15-20 triệu USD, cùng với lượng giao dịch nhất định và giá tối thiểu....
Đơn cử, Để được niêm yết trên sàn NASDAQ, các công ty phải duy trì mức giá cổ phiếu tối thiểu là 1 USD và tổng giá trị cổ phiếu còn tồn động tối thiểu là 1,1 triệu USD. Đối với các công ty nhỏ không thể đáp ứng được yêu cầu tài chính của NASDAQ thì sẽ có sàn giao dịch dành riêng cho họ là NASDAQ Small Caps Market.
Theo ông Louis Nguyễn, các yêu cầu để tham gia thị trường vốn Mỹ hiện có sẵn trên các phương tiện truyền thông. DN Việt nếu muốn có thể tham khảo, sự chuẩn bị càng sớm càng tốt thì khả năng gọi vốn thành công càng cao, đồng thời thời gian niêm yết cũng sẽ được rút ngắn.