Tại sự kiện "Điểm sáng đầu tư" chiều 15/2 của FiinGroup, các chuyên gia nhìn nhận thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2022 là một năm đáng nhớ và chứng kiến giá trị phát hành riêng lẻ sụt giảm, nhất là sau sự kiện hủy 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh.
Ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng tín nhiệm Fiin Ratings đánh giá có sự đồng pha giữa thị trường bất động sản (BĐS) và việc phát hành TPDN trong năm qua. Những biến động trong thị trường BĐS đã khiến việc huy động TPDN trở nên khó khăn hơn. Năm 2021, BĐS chiếm 41% tổng khối lượng phát hành TPDN toàn thị trường, thì đến 2022 chỉ còn 32%.
Về triển vọng thị trường TP năm 2023, ông Khang cho biết áp lực trả nợ TPDN sẽ đạt đỉnh, cụ thể là vào quý III, quý IV tới và kéo dài sang năm 2024. Lúc này khả năng trả nợ của doanh nghiệp (DN) sẽ suy giảm, đồng thời việc thuyết phục với trái chủ cũng sẽ khó khăn hơn.
Theo chuyên gia, áp lực nợ đến hạn lớn trong bối cảnh doanh thu và chất lượng lợi nhuận suy giảm sẽ khiến cho số lượng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán gia tăng. Đồng thời, khả năng huy động vốn trên thị trường TPDN tiếp tục bỏ ngỏ.
Ông Lê Hồng Khang cho biết, mức độ phân hóa về năng lực tín dụng trong năm nay cũng sẽ rõ ràng hơn. Nhóm doanh nghiệp yếu kém sẽ chứng kiến mất khả năng thanh toán và có thể sẽ phải làm việc với trái chủ để tái cấu trúc kỳ hạn trả nợ.
Đối với nhóm có chỉ số tín dụng ở mức khá và tốt, họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh và chờ đợi tín hiệu tích cực hơn từ vĩ mô hoặc chủ động M&A.
Nhìn chung năm 2023, thị trường TPDN hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài, dù sẽ vẫn kém sôi động với "gam màu xám". Theo các chuyên gia, thị trường sẽ hạ nhiệt so với giai đoạn trước như đỉnh điểm năm 2020 và 2021. Chủ thể tham gia chính trên thị trường TPDN sẽ rút gọn phần lớn là nhà đầu tư tổ chức, vì tâm lý lo ngại rủi ro và một phần vì chênh lệch lãi suất TPDN so với lãi suất tiền gửi đã kém hơn giai đoạn trước. Các ngân hàng thương mại vẫn sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc kiến tạo thanh khoản thị trường.
Về phía cung TPDN, doanh nghiệp sẽ tăng cường phát hành ra công chúng, tiếp cận đa dạng tệp nhà đầu tư tổ chức và thực hiện tái cơ cấu nợ vay với kỳ vọng dự thảo sửa đổi Nghị định 65 sẽ được thông qua.
Nếu các biện pháp tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án bất động sản được thông qua, nhiều khả năng các công ty sẽ đẩy nhanh hoạt động huy động vốn.
Một yếu tố hỗ trợ cho năm 2023 là Quy hoạch điện VIII được thông qua, giúp mở ra phương án kinh doanh và huy động vốn của doanh nghiệp năng lượng tái tạo sôi động trở lại.
Vì sao doanh nghiệp không giảm giá bán BĐS để có nguồn tiền trả nợ trái phiếu?
Trước câu hỏi tại sao các doanh nghiệp BĐS không giảm giá bán BĐS để có nguồn tiền trả nợ trái phiếu, chuyên gia Đào Phúc Tường chỉ ra ba lí do.
Thứ nhất, đa phần các doanh nghiệp đều có nhà đầu tư BĐS ruột (tức F0). Nếu doanh nghiệp giảm giá BĐS thì F0 sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ hai, nếu giảm giá BĐS, tài sản đảm bảo đang được thế chấp tại các ngân hàng sẽ giảm giá trị. Đồng nghĩa lúc này các nhà băng sẽ yêu cầu bổ sung thêm tài sản.
Thứ ba là tính pháp lý. Một số doanh nghiệp BĐS bị dính pháp lý nên dù có giảm giá thì vẫn không bán được.
Ông Đào Phúc Tường nói thêm, hiện nay có nhiều trái phiếu có nguy cơ vỡ nợ cực thấp, nhưng lợi tức cao hơn gấp đôi lãi suất ngân hàng. "Tôi đánh giá các TPDN này hấp dẫn", ông Tường nói. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhà đầu tư cần lấy lại niềm tin vào trái phiếu và tìm kiếm các cơ hội đầu tư đúng đắn cho riêng mình.