Chị Thanh Tâm thân mến!
Nỗi ấm ức này tôi không dám kể với ai để tránh mâu thuẫn riêng ảnh hưởng đến các mối quan hệ họ hàng. Chuyện là, cách đây 2 năm, em họ của chồng tôi có rủ chúng tôi mua chung một mảnh đất nhỏ ở ngoại thành. Chúng tôi còn chưa làm xong thủ tục mua bán và thanh toán hết tiền thì đã có người liên hệ muốn mua đất làm nhà.
Tôi thấy cơ hội hiếm có nên bảo cô em bán luôn, tiền lại gửi tiết kiệm hoặc tìm mua mảnh đất khác. Nhưng miếng đất vị trí đẹp, cô em họ muốn để một thời gian nữa. Vì là mua chung nên chúng tôi cũng cố gắng dung hoà. Tôi đã bảo nếu cô ấy thấy cơ hội đầu tư tốt thì có thể mua lại thêm phần của tôi nhưng không thành công.
Vợ chồng tôi đành ngậm ngùi bỏ qua cơ hội, cầu mong mọi việc hanh thông, không may lại rơi vào đúng đợt bất động sản "đóng băng".
Gần đây, cô em họ hỏi vợ chồng tôi có muốn bán lại cho cô ấy phần đóng góp mua đất không. Sau 2 năm thấp thỏm chờ đợi, nếu giờ chúng tôi bán thì chỉ lãi tí tẹo, còn chưa bằng nửa tiền lãi gửi tiết kiệm. Chúng tôi đã trả lời không bán mà vợ chồng cô em cứ nài nỉ. Chị tư vấn giúp tôi nên nói với cô em họ thế nào để hai bên thoải mái. Tôi xin được giấu tên.
Chào chị!
Nghe chị kể, Thanh Tâm thấy tính cách của chị mềm mỏng, biết dung hòa mối quan hệ. Đó có lẽ là một trong những điều kiện khiến mọi người thích đầu tư cùng chị. Nhưng việc đầu tư chung cần cả sự quyết đoán, chấp nhận lãi hưởng, lỗ chịu, đôi khi lý lẽ không đủ thuyết phục mà cần thống nhất trước các nguyên tắc.
Thứ nhất là các văn bản, giấy tờ đảm bảo trước pháp luật về sự đóng góp mua bán, tránh trường hợp một bên có thể vì lòng tham mà muốn chiếm đoạt. Thứ hai là chấp nhận bán trong trường hợp bất khả kháng vì một trong hai bên cần rút vốn giải quyết vấn đề cá nhân cấp bách.
Nếu một trong hai bên muốn rút vốn mà lý do chưa chính đáng thì phải chấp nhận bán lại giá thấp hơn so với thị trường thời điểm đó một số tiền được hai bên thống nhất trước.
Trường hợp của chị thì không thể quay ngược thời gian để thống nhất nguyên tắc chung vốn rồi. Trong trường hợp chị chưa muốn bán lúc này thì chỉ cần trả lời như chị đã nói với cô em họ là đủ. Nếu cô em họ vẫn muốn mua lại thì phải thống nhất đến mức giá mà chị đồng ý.
Nếu chị không muốn bán lại cho cô em họ để tránh điều tiếng sau này thì trao đổi với cô ấy: "Anh chị chưa cần lấy tiền ra. Lúc giá cao chị còn chấp nhận giữ lại cùng em được đến giờ, em cứ yên tâm chờ gặp khách, gặp thời, chị em ta sẽ cùng bán!".
Thanh Tâm nghĩ, với những việc như thế này thì nói ngắn, nói thẳng là hiệu quả nhất. Bây giờ, hai chị em có thể bổ sung các nguyên tắc với nhau để thoải mái, không phải nâng lên hạ xuống cân nhắc như bây giờ. Chúc tình cảm chị em họ của chị vẫn gắn bó, thân thiết nhé.