Từng có kinh nghiệm hơn 3 năm làm quản lý chất lượng cho một doanh nghiệp của Thái Lan chuyên về sản xuất cá tra đông lạnh, nhưng chị Trần Thị Thu Hồng, trú tại ấp Phú Ninh, xã Phú Đức, huyện Châu Thành (Bến Tre) lại quyết định từ bỏ công việc ổn định để khởi nghiệp với quả chôm chôm.
Từ bỏ công việc văn phòng, chị Hồng về quê khởi nghiệp với quả chôm chôm. (Ảnh: NVCC).
Chị Hồng cho biết, quê chị là thủ phủ của các loại trái cây Bến Tre. Đến mùa, chôm chôm chín đỏ bạt ngàn. Nhà chị cũng có mảnh vườn hơn 50 gốc chôm chôm Java cổ thụ và gần 200 gốc chôm chôm nhãn.
Thưởng thức quả tươi chưa đủ, chị Hồng còn thường xuyên mày mò công thức làm mứt chôm chôm để cả nhà ăn chơi và sử dụng vào dịp tết. Mứt chôm chôm vừa thơm vừa dẻo, hạt lại có thể ăn được với vị bùi béo và rất tốt cho sức khỏe.
Mứt chôm chôm được chị Hồng phát triển thành món ăn đặc sản được nhiều người yêu thích. (Ảnh: NVCC).
Tuy nhiên, khi đến mùa, chôm chôm luôn gặp phải tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Thậm chí, có thời điểm chôm chôm Java rớt giá chỉ còn 1-2 nghìn đồng/kg vẫn không có người mua, quả chín rụng đầy vườn.
Trăn trở cho loại quả gắn bó với quê hương, năm 2017, chị Hồng nảy ra ý định làm mứt chôm chôm để bán vào dịp Tết, vừa giúp nâng cao giá trị cho quả chôm chôm quê mình vừa tạo công ăn việc làm cho chị em đang nuôi con nhỏ trong gia đình.
Để làm ra sản phẩm tốt nhất, chị Hồng đã phải nghiên cứu công thức chuẩn trong thời gian dài. (Ảnh: NVCC).
Bắt tay vào làm tất cả các công đoạn, do chưa quen làm với số lượng lớn, chị Hồng đã gặp không ít khó khăn khi sên mứt, mẻ thì bị nhão, mẻ thì ruột một bên, cùi một bên, mẻ thì quá chua, mỗi ngày phải đổ đi cả nửa tạ ruột chôm chôm.
Trải qua nhiều đêm trăn trở, làm đi làm lại để tìm ra công thức chuẩn nhất, chị Hồng đã thành công khi tạo ra những mẻ mứt chôm chôm thơm, dẻo được nhiều người yêu thích.
Vụ Tết đầu tiên, chị bán được hơn 6 tấn mứt chôm chôm thành phẩm, tức là khoảng hơn 50 tấn chôm chôm tươi. Thấy vậy, chị Hồng quyết định nghỉ việc để tập trung làm mứt.
Chỉ trong vụ Tết đầu tiên, chị Hồng bán được 6 tấn mứt chôm chôm thành phẩm. (Ảnh: NVCC).
Từ cô gái văn phòng ít khi phải làm việc nặng, chị Hồng đã tự tay làm mọi khâu, từ thu mua quả, chở cả nửa tấn chôm chôm trên những đoạn đường đất lầy lội đến sên mứt cả đêm không được ngủ.
“Có lần đi giao hàng về khuya, xe máy thủng săm không tìm thấy chỗ thay, điện thoại thì hết pin không gọi ai giúp được, tôi phải lủi thủi một mình dắt xe hơn 2 tiếng mới về được đến nhà. Vất vả, khó khăn nhưng lúc nào tôi cũng động viên mình để cố gắng phấn đấu”, chị Hồng kể.
Khó khăn chưa dừng lại khi năm 2018, mưa bão bất ngờ ập đến khiến cả tấn mứt thành phẩm không có nắng để phơi, phải đổ bỏ, công sức của cả gia đình trở về con số 0.
Tiếp tục khắc phục khó khăn, chị Hồng đã ổn định sản xuất, hoàn thành 10 tấn chôm chôm thành phẩm cung cấp ra thị trường vào dịp Tết năm 2018. Tuy nhiên, đến năm 2019, hạn mặn đã làm diện tích lớn chôm chôm bị chết. Nhiều vườn chôm chôm bị chết khô, người dân phải đốn bỏ, chọn các cây ăn quả có giá trị cao hơn để trồng lại.
Nguồn nguyên liệu đầu vào không có, cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cơ sở sản xuất mứt chôm chôm của chị Hồng phải hoạt động cầm chừng. Nhiều người khuyên chị nên bỏ nghề, quay lại công việc công sở cho đỡ nặng đầu nhưng chị vẫn không nản chí, quyết tâm theo hướng mình đã chọn.
Ngoài làm mứt chôm chôm dẻo có hạt, chị Hồng còn làm thêm mứt chôm chôm chua cay và tách hạt, phục vụ nhu cầu của người già và trẻ nhỏ. Đặc biệt làm thêm các loại sản phẩm khác như nước màu chôm chôm, chuối sấy dẻo, mứt tắc, mứt dứa, mứt me và chùm ruột.
Ngoài mứt chôm chôm, chị còn triển khai các loại hoa quả sấy khác nhằm đa dạng sản phẩm.
Từ chỗ làm hoàn toàn bằng tay, chị Hồng đã sắm sửa thêm một số máy móc khác như máy sấy, máy hút chân không, xây dựng nhà xưởng rộng hơn 100m2, tạo việc làm cho cả chục lao động địa phương.
Sản phẩm mứt chôm chôm sấy nguyên hạt được bán ra thị trường với giá 200 nghìn đồng/kg, chôm chôm sấy tách hạt có giá 300 nghìn đồng/kg. Để thuận tiện cho việc biếu, tặng hoặc sử dụng, chị tiến hành đóng hộp 250g, 300g, 500g theo từng loại.
Từ làm thủ công bằng tay, chị Hồng đã mua sắm được một số máy móc hỗ trợ cho việc sản xuất.
Hiện tại chôm chôm đang vào chính vụ nên mỗi ngày, xưởng sản xuất chôm chôm của chị Hồng cho ra lò khoảng 300kg mứt chôm chôm, tương đương với 2 tấn quả tươi. Trung bình mỗi tháng doanh thu của xưởng đạt từ 80-100 triệu đồng, mang về lợi nhuận khoảng 25%.
Với mong muốn đưa sản phẩm mứt chôm chôm đến với đông đảo người tiêu dùng trong cả nước, chị Hồng thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm.
Chị hy vọng rằng, không chỉ chôm chôm mà các loại trái cây khác của Bến Tre nói riêng và của cả nước nói chung sẽ ngày càng được nâng cao giá trị, không còn cảnh chín rụng đầy vườn hay được mùa mất giá.