Ở đâu có tài sản công, tài chính công, ở đó có sự kiểm tra, giám sát của Kiểm toán Nhà nước. Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 quy định đơn vị được kiểm toán doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống khi cần thiết. Theo đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ quyết định lựa chọn mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp.
Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh như vậy tại hội thảo “Kiểm toán đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ,” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 6/7.
Hoạt động giám sát của chủ sở hữu chưa đảm bảo
Bà Dung chỉ ra thời gian qua việc quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp vẫn còn bất cập. Cụ thể, hệ thống các văn bản chế độ quản lý tài chính của Nhà nước chưa chú ý quan tâm điều chỉnh nhiều đến loại hình doanh nghiệp này, dẫn đến vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí, sử dụng vốn không hiệu quả, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.
Trên thực tế, việc xác định vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đang còn có nhiều cách hiểu khác nhau, được quy định tại nhiều luật và chưa có sự thống nhất. Hơn nữa, các yêu cầu về tách bạch giữa quyền sở hữu vốn và quyền quản lý, giám sát vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khiến cho sự khách quan, minh bạch trong hoạt động giám sát của chủ sở hữu, giám sát của quản lý Nhà nước chưa được đảm bảo.
Theo Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, công tác giám sát, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước hiện nay còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, sự can thiệp hành chính vào quản lý, điều hành của doanh nghiệp đã ảnh hưởng tính hiệu quả trong sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các quy định về quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều vướng mắc, như chênh lệch lớn giữa khung giá do Nhà nước quy định và giá thị trường. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều tiêu cực trong thời gian qua. Thêm vào đó, thẩm quyền, trình tự, thủ tục liên quan việc đầu tư, xây dựng cũng như đầu tư ra nước ngoài, liên doanh, liên kết còn nhiều kẽ hở, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.
“Những vướng mắc, bất cập trên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sử dụng vốn, tài sản không đúng mục đích, không hiệu quả,” bà Dung nhấn mạnh.
“Bỏ ngỏ” kiểm toán phần vốn góp dưới 50% vốn điều lệ
Bà Dung cho biết kể từ khi Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 có hiệu lực đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán và phát hành báo cáo kiểm toán 4 cuộc kiểm toán độc lập và 23 cuộc kiểm toán các công ty liên kết lồng ghép với kiểm toán Báo cáo tài chính công ty mẹ và các tập đoàn, tổng công ty với tổng kiến nghị tăng thu ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng.
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một số yếu kém, bất cập của cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện phần vốn Nhà nước. Như, việc thu thập thông tin của doanh nghiệp trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán còn chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến việc xác định nội dung, phạm vi, phương pháp kiểm toán.
Bên cạnh đó, các phát hiện kiểm toán trong việc thực hiện nghĩa vụ của người đại diện vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu còn chưa rõ nét, báo cáo kiểm toán chưa có nhiều kiến nghị cơ quan đại diện vốn, người đại diện vốn Nhà nước trong vai trò giám sát vốn đầu tư.
Theo bà Dung, nguyên nhân của hạn chế, tồn tại do quy mô và tần suất kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước còn nhỏ so với yêu cầu kiểm toán các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Thêm vào đó, việc ban hành quy trình hướng dẫn kiểm toán doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 50% vốn điều lệ còn chậm nên thời gian đầu khi kiểm toán khiến các đoàn kiểm toán lúng túng trong xác định phạm vi, giới hạn, nội dung kiểm toán.
“Mặt khác, công tác phối hợp của một số cơ quan quản lý Nhà nước, của các doanh nghiệp còn chưa tốt. Cộng thêm, ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ rất đa dạng, quy mô lớn và có xu hướng phát triển theo hướng công nghệ cao nên đòi hỏi kiểm toán viên phải được đào tạo, cập nhật kiến thức để am hiểu các lĩnh vực mới,” bà Dung trao đổi.
Tại hội thảo, cơ quan kiểm toán, các chuyên gia và doanh nghiệp trao đổi những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc kiểm toán các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Trên cơ sở đó, các kiến nghị cho rằng các cấp quản lý cần toàn thiện hệ thống pháp luật, quy định rõ ràng, đầy đủ và minh bạch việc quản lý phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Cần có cơ chế giám sát, đánh giá thường xuyên đối với cơ quan đại diện chủ hữu cần bổ sung để tạo áp lực phải quản lý vốn Nhà nước tốt hơn, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, vai trò Kiểm toán Nhà nước cần được đẩy mạnh, thông qua việc đẩy mạnh kiểm toán tại các doanh nghiệp này, trong đó chú trọng hơn đến kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động bên cạnh kiểm toán báo cáo tài chính để đánh giá trách nhiệm người đại diện tại doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Mặt khác, cơ quản Nhà nước cần tổ chức phổ biến Quyết định số 22/QĐ-Kiểm toán Nhà nước hướng dẫn kiểm toán doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, đặc biệt là mục tiêu, nội dung, tiêu chí, phương pháp kiểm toán...
Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ được lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu, tiếp thu tối đa để có nhiều đổi mới, sáng tạo và khoa học, xây dựng các giải pháp hữu hiệu, đạt được nhiều thành tựu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao phó.