Theo Live Science, các nhà khoa học làm việc tại Khu vực Clarion-Clipperton ở Bắc Thái Bình Dương đã phát hiện ra rằng các nốt đa kim dưới đáy biển có khả năng tự sản xuất ra "oxy tối", điều có thể làm đảo lộn các lý thuyết quen thuộc về sự sống sơ khai.
Nốt đa kim là những khối rắn hình củ khoai tây được tìm thấy dưới đáy biển sâu.
Thành phần chính của nốt đa kim là sắt oxit, mangan oxit. Ngoài ra chúng còn chứa nhiều kim loại có giá trị như niken, coban, đồng, titan và các nguyên tố đất hiếm, vì vậy được nhiều quốc gia săn lùng bất chấp các cảnh báo về môi trường.
Giờ đây, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi GS Andrew Sweetman từ Hiệp hội Khoa học hàng hải Scotland (SAMS) chỉ ra các nốt đa kim ở Vùng Clarion-Clipperton (CCZ) của Bắc Thái Bình Dương tạo ra oxy thông qua quá trình điện phân nước biển.
Điện tích này có thể đến từ sự khác biệt về điện thế giữa các ion kim loại bên trong các khối kim loại nhỏ này, dẫn đến sự phân phối lại các electron.
Họ gọi oxy được tạo ra là "oxy tối".
Việc phát hiện ra oxy tối ở độ sâu 4.000m dưới mực nước biển, nơi không có ánh sáng nào có thể xuyên qua, thách thức niềm tin của các nhà khoa học rằng oxy của Trái Đất chỉ được tạo ra tự nhiên thông qua quá trình quang hợp, tức cho đến khi sự sống sơ khai đã bắt đầu.
Theo lý thuyết cũ này, sự sống hiếu khí - cần oxy để thở - chỉ có thể ra đời sau một thời điểm nhất định, khi các sinh vật sơ khai biết quang hợp đã làm giàu oxy cho Trái Đất ở mức cần thiết.
Vì vậy, một nguồn oxy tự phát sinh dưới đáy biển có thể xáo trộn hoàn toàn những đoạn lịch sử sơ khai này.
Chúng đặt ra giả thuyết sự sống hiếu khí có thể đã xuất hiện sớm hơn chúng ta nghĩ, theo một phương thức khác, dựa vào oxy tối.
Phát hiện này cũng làm dấy lên lo ngại về việc khai thác các nốt đa kim này để lấy đất hiếm, vì chúng có thể là nguồn oxy sống còn cho các hệ sinh thái biển sâu cho tới ngày nay.
Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Geoscience.