Ông Đinh Văn Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định cho biết, dự án xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 335/QĐ-TTg ngày 17/3/2017; đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 1710/QĐ-UBND ngày 31/7/2017.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công xây dựng là Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Trường (Nam Định).
Tổng mức đầu tư trên 5.326 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn I là 2.839 tỷ đồng, giai đoạn II là 2.487,5 tỷ đồng (từ nguồn vốn ngân sách Trung ương; ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017-2025.
Dự án có tổng chiều dài tuyến 46 km, đi qua 16 xã thuộc địa bàn hai huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng (huyện Ý Yên 10 km; Nghĩa Hưng 36 km).
Điểm đầu của dự án tại khu vực nút giao thông Cao Bồ (nút giao đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 10); điểm cuối dự án tại Trạm đèn biển Lạch Giang (Khu Công nghiệp Rạng Đông, đê biển xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng).
Dự án sau khi hoàn thành có quy mô: đoạn từ Cao Bồ đến cầu Thịnh Long đường cấp II đồng bằng, vận tốc thiết kế 100 km/giờ; bề rộng nền đường 24-26 m; mặt đường 4 làn xe cơ giới.
Đoạn từ cầu Thịnh Long đến Khu Công nghiệp Rạng Đông quy mô đường phố chính đô thị là chủ yếu, vận tốc thiết kế 80 km/giờ; bề rộng nền đường 32,5-34,5 m; mặt đường 6 làn xe cơ giới; xây dựng một đơn nguyên cầu Đống Cao bề rộng cầu 12m.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định thông tin, giai đoạn I (từ 2017-2021), đầu tư đoạn từ khu vực nút giao thông Cao Bồ đến đường Tỉnh lộ 490C (Km00+00-Km23+200), mỗi bên một làn xe cơ giới.
Đoạn từ đầu cầu Thịnh Long đến Khu Công nghiệp dệt may Rạng Đông (Km36+400-Km46+00), đầu tư mỗi bên 2 làn xe cơ giới. Đoạn trùng với đường Tỉnh lộ 490C (Km23+200-Km36+400), tận dụng đường hiện tại. Giai đoạn I của dự án đã hoàn thành tháng 12/2021.
Theo kế hoạch, giai đoạn II của dự án (từ nay đến 2025) sẽ nâng cấp, mở rộng đoạn đi qua, trùng với đường Tỉnh lộ 490C. Cụ thể, mở thêm một làn xe cơ giới mỗi bên đối với các đoạn đã đầu tư trong giai đoạn I và xây dựng cầu Đống Cao nối liền hai huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng, kết nối giao thông hai bờ sông Đào. Cầu Đống Cao có chiều rộng 12m, dài 761,8m, gồm 17 nhịp (ba nhịp chính dầm hộp liên tục và 14 nhịp dẫn bằng dầm Super T).
Phát biểu tại lễ động thổ, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị khẳng định: dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá chiến lược, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Định, mở ra không gian phát triển về đô thị, công nghiệp, nhất là vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định nối với tuyến giao thông huyết mạch quốc gia là đường cao tốc Bắc Nam.
Tuyến đường trục phát triển khi hoàn thành còn kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và các trung tâm kinh tế, chính trị trong khu vực; kết nối giao thông với các tuyến Quốc lộ: 10, 37B, 37C, 21B; Tỉnh lộ 490C, 488C và tuyến đường bộ ven biển.
Đặc biệt, tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình khi hoàn thành sẽ tạo tiền đề cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất, tài nguyên biển và vùng ven biển, giảm chênh lệch giữa các vùng, thu hút nhà đầu tư, tạo việc làm, phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương...
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị, để dự án hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu, UBND các huyện: Ý Yên, Nghĩa Hưng tiếp tục tập trung chỉ đạo, huy động hệ thống chính trị tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích để nhân dân hiểu lợi ích của dự án đem lại, qua đó nhân dân ủng hộ, đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án.
Nhà thầu thi công tập trung huy động mọi nguồn lực, máy móc, vật tư, nhân lực, tài chính, công nghệ... có biện pháp tổ chức thi công phù hợp, đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Chủ đầu tư chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị liên quan tháo gỡ những khó khăn, tổ chức quản lý đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn trong suốt quá trình thực hiện dự án.