Chứng khoán

Trước thềm huỷ niêm yết, RIC, FTM tiếp tục báo lỗ trong quý 1

CTCP Quốc tế Hoàng Gia (mã CK: RIC) đã công bố BCTC quý 1/2022. Theo đó doanh thu thuần trong kỳ chỉ đạt 8,8 tỷ đồng – giảm 67% so với cùng kỳ; Kinh doanh dưới giá vốn khiến RIC lỗ gộp 16,4 tỷ đồng. 

Sau khi trừ các khoản chi phí, RIC chịu lỗ sau thuế 30 tỷ đồng – ghi nhận quý thứ 10 liên tiếp kinh doanh thua lỗ.

Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân thua lỗ là do ngành dịch vụ, du lịch vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid – 19. Mặc dù công ty đã cố gắng cắt giảm nhân công, tiết kiệm chi phí nhưng do doanh thu thấp nên KQKD quý 1/2022 vẫn bị lỗ.

Sau khi lỗ tới 102 tỷ đồng trong năm 2021, RIC dự kiến giảm lỗ xuống còn hơn 36 tỷ đồng trong năm 2022.

Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (mã CK: FTM) cũng đã công bố BCTC quý 1/2022. Theo đó doanh thu thuần đạt gần 22 tỷ đồng giảm hơn một nửa so với cùng kỳ. 

Sau khi trừ giá vốn và gánh nặng chi phí lãi vay khiến FTM lỗ sau thuế hơn 47 tỷ đồng – ghi nhận quý thứ 13 liên tiếp kinh doanh thua lỗ.

FTM cho biết, khoản lỗ phát sinh của Công ty chủ yếu là các chi phí cố định như khấu hao, các chi phí trả trước phân bổ nhiều kỳ, lãi vay dài hạn do việc dừng sản xuất.

Hiện FTM vẫn chưa công bố các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2022, Công ty đánh giá các dự án liên quan các khoản hợp tác đầu tư là các dự án bất động sản tiềm năng, có quy mô, vẫn đang được triển khai và có diễn biến tích cực, đặc biệt là dự án khu đô thị phía nam thành phố Thái Bình. Đối với các khoản cho vay, các bên cho vay vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.

Mới đây Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo về việc huỷ niêm yết đối với cả 2 cổ phiếu RIC và FTM. Theo đó toàn bộ hơn 28,7 triệu cổ phiếu RIC và 50 triệu cổ phiếu FTM sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc tại HoSE từ 16/5/2022.

Nguyên nhân bị huỷ niêm yết đều là do cả 2 công ty này đã kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp (2019, 2020, 2021), thuộc trường hợp chứng khoán bị huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định. Bên cạnh đó FTM còn bị tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp.

Trên sàn, sau khi tăng sốc, giá cổ phiếu RIC lại bước vào chuỗi giảm sàn đưa giá cổ phiếu RIC về vùng giá 14.800 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó FTM hậu tăng giá cũng đã có nhiều phiên giảm mạnh về 3.460 đồng/cổ phiếu.

Trước thềm huỷ niêm yết, RIC, FTM tiếp tục báo lỗ trong quý 1 - Ảnh 1.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm