Bất động sản

Khó xác định giá trị thực trong mua bán bất động sản

Đây là thông tin vừa được Tổng cục Thuế công bố.

Tình trạng mua bán hai giá có nghĩa là giá mua thực tế và giá ghi trong hợp đồng mua bán có sự chênh lệch nhau. Việc rà soát tình trạng này đang gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do khó xác định giá trị thực của bất động sản tại thời điểm mua - bán.

Trên thực tế, việc chênh lệch giữa bảng giá đất do nhà nước quy định và giá mua bán thật đang tạo ra nhiều lỗ hổng và gây khó khăn trong việc xác định giá khi giao dịch bất động sản .

Anh Đào Trọng Nghĩa, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh, cho biết: "Cơ sở để tính giá chuyển nhượng tức là mình sẽ lấy trung bình giá của mức giá thấp nhất mà người bán đề ra cho mình, có nghĩa là cả hai bên mua và bán sẽ cùng thỏa thuận một mức giá hợp lý".

Theo quy định, đối với hoạt động kinh doanh mua bán, chuyển nhượng bất động sản, cá nhân phải nộp thuế thu nhập bằng 2% giá trị chuyển nhượng. Việc cơ quan thuế rà soát tình trạng mua bán nhà đất "hai giá" là cần thiết nhằm tránh thất thu ngân sách và tăng tính minh bạch trên thị trường. Tuy nhiên, việc xác định giá bán phải cao hơn giá ban đầu còn phụ thuộc vào từng trường hợp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, nhận định: "Chúng ta xác định việc kê khai giá theo nhu cầu thị trường bình thường. Chúng ta chưa tính tới những trường hợp đặc thù, trường hợp đặc thù là chẳng hạn như một gia đình đang gặp một sự cố buộc phải bán nhanh cái nhà để có nguồn tiền thì có thể người ta bán thấp hơn giá thị trường. Điều đó là thực tế có xảy ra".

Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng Văn phòng Công chứng viên quận 12, TP. Hồ Chí Minh, nói: "Hiện tại cơ quan thuế chưa có khung giá rõ ràng nên có một số khó khăn. Đa số hồ sơ sẽ bị trả lại yêu cầu phải kê khai đúng giá. Còn đối với người dân, xưa nay kê khai bao nhiêu thì mọi người thoải mái kê khai, căn cứ theo giá của nhà nước mà kê khai. Bây giờ kê khai theo giá thực tế, đa số mọi người đều phản ứng hết. Để chống thất thu thuế thì phòng công chứng gặp rất nhiều khó khăn".

Nhiều trường hợp khi mua bán nhà đất, các bên thỏa thuận ghi giá bán trong hợp đồng công chứng thấp hơn giá trị thực tế xuống thấp nhiều lần để đôi bên cùng có lợi. Do đó, theo các chuyên gia, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp với ngành thuế là cần thiết, các giao dịch cũng cần minh bạch thông qua các chứng từ. Đồng thời, cơ quan thuế cần thiết lập một bảng giá đất có hệ số điều chỉnh giá đất riêng, để làm căn cứ áp dụng tính thuế.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm