Bất động sản

Khó tin môi giới bất động sản “tất bật” dẫn khách đi xem nhà đất, buổi tối vẫn đi ký hợp đồng mua bán

Khó tin môi giới bất động sản “tất bật” dẫn khách đi xem nhà đất, buổi tối vẫn đi ký hợp đồng mua bán - Ảnh 1.

Môi giới tất bật dẫn khách đi xem nhà đất vì hết nhân viên

Sau 1 năm thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, đến nay nhằm vực dậy thị trường Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo. Bên cạnh đó, tính tới thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, theo đó nhiều ngân hàng thương mại cũng đã giảm lãi suất cho vay.

Điều này đã tạo ra nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản, đặc biệt giúp dần khôi phục niềm tin của người mua. Theo đó, thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư đã rục rịch quay trở lại đi xem, mua bán bất động sản. Do đó, hoạt động môi giới cũng đã có phần tất bật trở lại.

Anh V.T.T, giám đốc sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, thời điểm thị trường sôi động phòng giao dịch của anh có 20 nhân sự môi giới. Tuy nhiên, trải qua 1 năm trầm lắng, văn phòng chỉ còn anh và 2 cộng sự nữa bám trụ, còn lại đã bỏ nghề và chuyển sang công việc khác.

“Từ cuối tháng 6, khách hàng đã có những động thái mạnh bạo hơn. Nếu trước kia chỉ dừng ở mức gọi điện tham khảo thì nay, sau khi được giới thiệu nhiều khách hàng đã tới tận nơi để xem, mua. Do văn phòng chỉ còn 3 người, lượng khách cần đưa đi xem nhà đất nhiều hơn. Nên nhiều ngày chúng tôi đều phân chia công việc 2 người dẫn khách, còn 1 người sẽ chạy hoàn tất các thủ tục giao dịch đã được ký và trực văn phòng.

Thậm chí, có ngày khách chốt mua vào buổi tối, dù khách ở xa chúng tôi vẫn tới tận nhà ký đặt cọc ngay, về đến nhà cũng đã 22 - 23 giờ. Để lâu sợ khách thay đổi quyết định, không mua nữa. Tuy nhiên, không phải ngày nào văn phòng tôi cũng bận rộn như vậy. Có nhiều ngày vắng khách hẹn lịch đi xem nhà đất, chúng tôi tiếp tục liên hệ khách cũ mời mua hoặc tìm kiếm ở các kênh khác”, anh T nói.

Khó tin môi giới bất động sản “tất bật” dẫn khách đi xem nhà đất, buổi tối vẫn đi ký hợp đồng mua bán - Ảnh 2.

Ảnh: NVCC.

Theo anh T, các bất động sản thời gian gần đây văn phòng anh chốt thành công đều là sản phẩm phục vụ nhu cầu thực như chung cư, nhà trong ngõ và đất nền vùng ven, tỉnh đã giảm giá 40 - 50%.

“Do đã làm nghề hơn 10 năm nên tôi có lượng khách quen tốt. Những người chốt giao dịch với tôi thời điểm này cũng đa phần đến từ kênh này. Một số sản phẩm nhà ở thực thì có cả khách lạ, trong quá trình môi giới chúng tôi cũng giúp khách thương lượng giá chốt với chủ nhà, để có được giao dịch thành công. Tuy nhiên, thời điểm này giao dịch mới chỉ tăng hơn trước, chưa thể sôi động ngay. Bận rộn là do phải dẫn khách đi xem, tư vấn nhiều mảnh đất ở các nơi khác nhau”, anh T nói.

Khó tin môi giới bất động sản “tất bật” dẫn khách đi xem nhà đất, buổi tối vẫn đi ký hợp đồng mua bán - Ảnh 3.

Ảnh: NVCC.

Theo anh T, để giảm tải công việc anh cũng đăng tuyển nhân sự nhưng rất khó tìm.

Khó tuyển nhân sự môi giới

Thực tế, đây chỉ là trường hợp hy hữu trên thị trường, còn hiện nay nhiều môi giới vẫn khó có giao dịch. Chính vì điều này, nhiều môi giới bất động sản đã bỏ nghề.

Bà Trịnh Thị Kim Liên, Giám đốc Kinh doanh Dat Xanh Services chia sẻ: "Tính từ 6 tháng cuối năm ngoái đến 6 tháng đầu năm nay, tức tròn một năm kể từ ngày bất động sản rơi vào khó khăn, một số công ty môi giới thật sự đã bị bỏ lại phía sau, hiện giờ có thể còn sếp, còn chủ nhưng không còn nhân viên. Một số công ty vẫn đang tiếp tục gồng với số lượng nhân sự tối thiểu để duy trì. Song, vẫn có một số công ty nổi lên như một hiện tượng. Họ xác định còn lực, còn vốn nên đẩy mạnh tuyển dụng, triển khai kinh doanh và tranh thủ cơ hội để chiếm lĩnh thị phần".

Tuy nhiên, việc tuyển dụng nhân sự môi giới bất động sản trong thời điểm này cũng không dễ dàng. Theo ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, hiện lượng môi giới nghỉ việc hẳn chiếm khoảng 60%; môi giới làm song song việc bán bất động sản và công việc khác chiếm khoảng 15 - 20%; và chỉ còn 20% môi giới đang làm việc trên thị trường.

“Mặc dù môi giới nghỉ việc rất nhiều nhưng bản thân doanh nghiệp tôi tuyển dụng cũng rất khó tìm người ở tất cả các cấp độ. Trong khi đó, mức lương cứng bên tôi gần như cao nhất thị trường. Nguyên nhân do niềm tin của môi giới vào thị trường.

Cụ thể, thứ nhất là niềm tin vào thanh khoản trên thị trường. Họ sợ thị trường bất động sản sẽ vẫn rơi vào trầm lắng dài, không có giao dịch. Thứ hai là niềm tin và phí hoa hồng, họ sợ các chủ đầu tư và sàn môi giới khó khăn sẽ không trả được khoản này hoặc nợ lâu”, ông Quê nói.

Khó tin môi giới bất động sản “tất bật” dẫn khách đi xem nhà đất, buổi tối vẫn đi ký hợp đồng mua bán - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Thực tế, lực lượng môi giới là thành phần rất quan trọng trên thị trường bất động sản, kết nối người mua và người bán. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của thị trường có lúc gần như tắc thanh khoản, nhiều môi giới vì “miếng cơm manh áo” chấp nhận tìm công việc mới.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, phần lớn môi giới nghỉ việc ở thời gian qua là những người trẻ, tay ngang vào nghề, chạy theo đám đông, không có tích lũy tài chính. Còn những môi giới lâu năm trong nghề và có tích lũy tài chính thì vẫn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, chờ thị trường phục hồi để quay trở lại.



Cùng chuyên mục

Đọc thêm