Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, chia sẻ, 5 tháng gần đây, tình hình kinh doanh luôn bị trở ngại vì thị trường có nhiều bất lợi.
Là doanh nghiệp sản xuất, khó khăn lớn đầu tiên được ông nhắc đến là chi phí nguyên liệu, nhân công ngày một gia tăng. Như trứng, giá hiện tăng 20% so với cùng kỳ vì nguyên liệu tăng cao.
"Giá xăng gần đây có giảm hơn trước nhưng ảnh hưởng của tỷ giá khiến giá thức ăn chăn nuôi không thể hạ nhiệt. Trong khi đó, lương nhân viên vẫn phải nâng vì mọi chi phí sinh hoạt của họ đều tăng", ông Thiện kể.
Vĩnh Thành Đạt có khoảng 300 nhân viên và những người này đã được tăng lương thêm 10% hồi tháng 8. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn hiện nay, ông Thiện nói, có thể phải điều chỉnh lại.
Khảo sát chung các hiệp hội doanh nghiệp, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV) cho biết, chi phí đầu vào đang tạo sức ép lên hoạt động sản xuất. Nguyên nhân của vấn đề này đến từ các yếu tố bên ngoài như giá nhiên liệu thế giới bị đẩy lên, đồng USD tăng mạnh, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng đầu vào do chính sách zero-Covid của Trung Quốc vẫn còn hiện hữu. Còn trong nước, tình trạng thiếu hụt xăng dầu ở các trung tâm kinh tế như TP HCM, Hà Nội chưa được tháo gỡ khiến chi phí vận chuyển tăng mạnh, lãi suất lên cao đẩy giá vốn sản xuất.
Vấn đề tiếp theo mà các doanh nghiệp phải đối diện là áp lực đơn hàng giảm. "Từ tháng 9 đến nay, lượng đơn hàng rơi mạnh", ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM nói. Bức tranh hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành đang trái ngược với các tháng đầu năm. Hệ quả, số lượng doanh nghiệp cắt giảm lao động đang ngày một nhiều lên.
Tương tự, ông Lê Xuân Tân, thành viên ban giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Gỗ Hạnh Phúc (Đồng Nai) chia sẻ, các doanh nghiệp trong ngành thường mất 30-40% đơn hàng.
"Có doanh nghiệp còn mất hơn hoặc ngừng hẳn đơn hàng. Ai giữ được đơn hàng lúc này rất hiếm", ông nói và cho biết, từ đợt phong toả do Covid-19 năm ngoái, số lượng đơn hàng đã trở nên bất định.
Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng sản xuất Việt Nam (PMI) tháng 10 cho thấy dấu hiệu suy thoái nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất của Việt Nam khi cả số lượng đơn hàng mới và xuất khẩu kém nhất trong 13 tháng.
Ông Hồng đánh giá: "Rất khó có giải pháp thiết thực trong thời điểm này khi ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa chấm dứt. Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh". Theo ông, các doanh nghiệp có cố gắng đa dạng hoá, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu nhưng nhìn chung vẫn khó khăn khi kinh tế thế giới suy giảm.
Bên cạnh bóng ma suy thoái, chính sách bảo hộ của các nước cũng khiến doanh nghiệp khó trong xuất khẩu.
Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cho biết, những mặt hàng thực phẩm ăn liền, trong đó có mỳ, phở bị "tắc" ở nhiều thị trường khiến tổng lượng hàng xuất đi các nước giảm 30-40%.
"Châu Âu gần đây siết chặt quy định không lưu hành sản phẩm có chứa ethylene oxide nên mỗi container, mỗi mặt hàng xuất khẩu đều phải có chứng thư", ông nói. Điều này đã khiến doanh nghiệp phát sinh các chi phí kiểm nghiệm.
Áp lực này đè nặng doanh nghiệp khiến nhiều đơn hàng xuất đi châu Âu giảm kỷ lục. Trong đó, theo doanh nhân này, có những đơn hàng xuất đi một vài quốc gia giảm 70-90%.
Hiệp hội ngành gỗ cũng chia sẻ, các vụ kiện phòng vệ thương mại xảy ra liên tiếp cũng khiến doanh nghiệp tốn nhiều thời gian, công sức giải quyết cũng như gặp bất lợi trong tiếp cận thị trường.
Câu chuyện về lao động lúc này cũng đặt doanh nghiệp vào thế khó. Một mặt, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, chi phí sản xuất tăng cao phải đứng trước tính toán thu hẹp quy mô, cắt giảm hàng loạt lao động. Mặt khác, một số lại bày tỏ khó khăn tìm kiếm được nhân công phù hợp, có tay nghề.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, sau dịch, công nhân quay lại TP HCM ồ ạt nhưng chất lượng không cao và thiếu ổn định. Công ty đã bù đắp thiếu hụt thông qua tuyển dụng từ dịch vụ lao động nhưng chất lượng vẫn không tương xứng với nhu cầu.
Trong bối cảnh khó khăn bủa vây từ nhiều phía, doanh nghiệp cần tiền để duy trì, trợ lực, nhưng dòng vốn lại đang cạn kiệt.
Ông Trương Chí Thiện cho biết, việc các ngân hàng điều chỉnh lãi suất tăng mạnh khiến công nợ của Vĩnh Thành Đạt tăng 30% so với những tháng trước. Việc đòi nợ cũng khó khăn hơn.
"Các khách nhập hàng đều thông báo xin gia hạn nợ vì ngân hàng hết room cho vay. Còn nhiều đơn vị khác cho vay nhưng với lãi suất rất cao nên họ chưa thể xoay xở", ông kể. Là đơn vị ở giữa, ông cho biết doanh nghiệp rất mệt mỏi nhưng cũng chỉ còn cách "cố gắng chia sẻ với nhau trong lúc khó khăn".
Ông Lê Xuân Tân lại bày tỏ lo lắng khi chỉ còn ít lâu nữa là đến cuối năm – thời điểm các doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí với nhà nước, các khoản nợ, đồng thời chi trả lương thưởng cho người lao động.
"Nếu không xoay được nguồn lực để chuẩn bị tốt, doanh nghiệp sẽ dễ rơi vào khủng hoảng", ông nói.
Với doanh nghiệp bất động sản, vấn đề này còn trầm trọng hơn khi ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, vì giảm sâu, thậm chí mất thanh khoản, có những doanh nghiệp đã phải vay tiền ngoài xã hội với lãi suất cao hay bán bớt tài sản, dự án, hoặc bán sản phẩm với chiết khấu sâu lên đến 40-50% giá hợp đồng.
Ban IV đánh giá, hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường, đặc biệt với các doanh nghiệp bất động sản đã lan rộng đến mọi loại hình kinh doanh khác, khiến kênh huy động trái phiếu không thể giúp doanh nghiệp thu hút được nhà đầu tư trong ngắn hạn nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách. Thị trường chứng khoán cũng chịu ảnh hưởng mạnh làm khó khăn về vốn thêm trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp lớn phải bố trí tiền để mua lại trái phiếu trước hạn.
"Môi trường kinh doanh lúc này đang rất xấu, chịu tác động kép từ bên ngoài lẫn bên trong Việt Nam", TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM nhận định.
Ông cho biết, trước đây, đứng trước những bất ổn toàn cầu, Việt Nam có thể có những chính sách nới lỏng, hỗ trợ để giảm bớt tiêu cực, thì nay là ngược lại – buộc lòng siết chặt thị trường để chỉnh lý những sai phạm trong đầu tư, quy hoạch, phát hành trái phiếu.
"Những vụ bắt giữ, truy tố các doanh nghiệp sai phạm cũng tạo ra bầu không khí nặng nề trong kinh doanh, chủ yếu tác động lên tâm lý, kỳ vọng đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán!", ông Bảo nói.
Chuyên gia này cho rằng, lúc này, các nhà hoạch định chính sách phải "sốt ruột" hơn trước những vấn đề mà nền kinh tế đang gặp phải. "Hiện không nên nhìn vào các dự báo chỉ số vĩ mô tươi sáng. Các báo cáo chỉ là ánh xạ của những câu chuyện trong quá khứ, không phản ánh được hiện thực", ông nhấn mạnh.
Như với vấn đề thiếu xăng dầu, theo ông Bảo, lãnh đạo Bộ Công Thương có thể dẫn báo cáo để nói rằng hàng hoá không thiếu, nhưng thực tiễn là mỗi ngày người dân phải xếp hàng dài chờ đổ xăng, doanh nghiệp phải treo biển nghỉ bán vì chưa có hàng.
Theo ông, lúc này, toàn bộ nguồn lực vĩ mô, chính sách nên ưu tiên để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho khu vực kinh tế thực (bộ phận doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hoá dịch vụ phục vụ cho đời sống người dân).
Cụ thể, Chính phủ nên tập trung để ổn định lãi suất, tỷ giá, có chính sách để các doanh nghiệp sản xuất được tiếp cận với nguồn tín dụng; xem xét giảm nhẹ một số loại thuế, phí giúp doanh nghiệp bù đắp được các chi phí do nhập khẩu tăng cao cũng như chi phí vay quá lớn; đảm bảo nguồn cung hàng hoá dịch vụ cho nền kinh tế, đặc biệt là các hàng hoá thiết yếu như xăng dầu...
Trong lúc chờ đợi những chính sách, điều hành từ các cơ quan chức năng, ông Trương Chí Thiện nói giải pháp trước mắt với doanh nghiệp là giảm các nhân sự không cần thiết. Công ty cũng dừng các dự án mua sắm thiết bị mới trong năm nay. "Có thể chúng tôi sẽ đầu tư vào năm sau. Còn vốn thì sẽ huy động từ cổ đông thay vì vay vốn ngân hàng với lãi suất cao", ông nói.
"Khó khăn lần này tôi nghĩ sẽ kéo dài, các doanh nghiệp nên nhìn thẳng vào khả năng này mà chuẩn bị cho mình những kịch bản để tồn tại", ông Lê Xuân Tân nói thêm.