Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX) chuẩn bị họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 lần 2, dự kiến vào ngày 6/12.
Trong tài liệu gửi cổ đông, Petrolimex có ba tờ trình quan trọng: Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) và đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025; Điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch SXKD năm 2022.
Hạ 90% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế
Petrolimex muốn điều chỉnh kế hoạch doanh thu tăng 29% từ 186.000 tỷ lên 240.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 90% từ 3.060 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng so với kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua.
Petrolimex cho rằng, việc điều chỉnh các chỉ tiêu do các nguyên nhân bất khả kháng. Các chỉ tiêu về sản lượng xuất bán, chỉ tiêu nộp ngân sách, chỉ tiêu đầu tư phát triển, chỉ tiêu cổ tức sẽ không đề xuất điều chỉnh do không có yếu tố bất khả kháng.
Theo Petrolimex, 9 tháng đầu năm, đặc biệt vào các thời điểm biên độ giá tăng lớn đã xảy ra hiện tượng một số thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng xăng dầu hạn chế bán hàng hoặc dừng bán hàng. Do đó, nhu cầu xăng dầu dồn về Petrolimex khiến cho sản lượng tiêu thụ của tập đoàn tăng mạnh trên tất cả các kênh bán hàng
“Sản lượng tiêu thụ tăng đột biến đã tạo nên áp lực rất lớn trong công tác tạo nguồn của tập đoàn. Lượng hàng tồn kho sụt giảm rất nhanh vào những chu kỳ xu hướng giá tăng dẫn đến tập đoàn phải nhập mua đuổi để kịp thời bù đắp và đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu tiêu thụ trong nước”, Petrolimex giải thích.
Tập đoàn dự báo, những tháng cuối năm, thị trường xăng dầu còn nhiều biến động như: Chi phí tạo nguồn thực tế tăng cao hơn chi phí tạo nguồn kết cấu trong giá giá cơ sở; chi phí tạo nguồn nhập khẩu tăng để bù lượng cấp thiếu từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; lợi nhuận giảm do lùi thời gian điều chỉnh giá bán trong bối cảnh giá dầu có xu hướng tăng; ảnh hưởng do điều chỉnh tỷ giá.
Trong tờ trình về k, Petrolimex dự kiến doanh thu hợp nhất năm 2023 là 169.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 3.200 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tập đoàn ước đạt 971.009 tỷ đồng doanh thu, 14.139 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách khoảng 171.626 tỷ đồng.
Muốn thoái vốn tại ba công ty
Tại đề án cơ cấu lại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Petrolimex cho biết sẽ duy trì tỷ lệ sở hữu nhà nước tại tập đoàn ở mức 75,87%.
Đối với công ty thành viên, trong giai đoạn 2022 – 2023, tập đoàn sẽ tập trung thoái vốn (chuyển nhượng vốn) tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank).
43 công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trong nước thuộc hệ thống, Petrolimex tiếp tục nắm giữ chi phối toàn bộ ở mức tỷ lệ sở hữu là 100%.
Hai công ty kinh doanh xăng dầu tại nước ngoài, Petrolimex sẽ có những phương án riêng. Cụ thể, tập đoàn tiếp tục nắm giữ tỷ lệ sở hữu 100% tại công ty TNHH MTV Petrolimex Singapore và thoái toàn bộ (chuyển nhượng) 100% vốn của tập đoàn tại Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào.
Ngoài ra, Petrolimex sẽ duy trì tỷ lệ nắm giữ trên 50% tại: Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex; Tổng công ty Gas Petrolimex; Công ty cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex; Công ty TNHH Liên doanh kho ngoại quan Vân Phong.
Theo đề án, tập đoàn sẽ tái cấu trúc Tổng công ty Vận tải thủy Petrolimex và Tổng công ty Dịch vụ vận tải Xăng dầu Petrolimex. Đồng thời, thoái vốn (chuyển nhượng) 100% vốn của tại Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex.
Petrolimex dự kiến duy trì tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH BP Petco (35%) và Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (40,95%).