Hội đồng quản trị(HĐQT) CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) vừa thông báo ngày 20/12 là ngày chốt danh sách cổ đông để nhận cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 30% tiền mặt (3.000 đồng/cổ phiếu). Tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/12.
Với hơn 379,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính DGC sẽ chi khoảng 1.139 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Thời gian thanh toán dự kiến là 10/1/2023.
Liên quan đến giao dịch cổ phiếu, nhóm quỹ thành viên do Dragon Capital quản lý vừa chi khoảng 60 tỷ đồng để mua tổng cộng 980.000 cổ phiếu DGC nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 6,91% lên 7,17% vốn điều lệ.
Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền mới đây cũng đã đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu DGC nhằm tăng sở hữu từ 18,11% lên 18,38%. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ ngày 17/11 đến 16/12.
Nếu mua thành công, ông Huyền sẽ sở hữu tổng cộng 69,79 triệu cổ phiếu DGC và có thể nhận về 209 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức sắp tới.
Động thái đăng ký mua vào của Chủ tịch Đào Hữu Huyền và nhóm Dragon Capital diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu DGC rơi từ vùng 100.000 đồng/cổ phiếu tháng 9 về 56.900 đồng/cổ phiếu chốt phiên 16/11, mất khoảng 43% giá trị.
Trước đà rớt giá cổ phiếu, ngày 16/11, ông Đào Hữu Huyền đã gửi tâm thư tới cổ đông và bày tỏ "lịch sử 8 năm kể từ khi niêm yết, chưa bao giờ cổ phiếu DGC giảm sàn 5 phiên liên tiếp, điều bất thường này lại xảy ra ngay năm mà kết quả kinh doanh công ty cao nhất từ trước đến nay".
Trong thư, ông Huyền ước tính doanh thu tập đoàn trên 14.000 tỷ đồng và lãi sau thuế trên 6.000 tỷ đồng năm 2022. Riêng lợi nhuận tháng 10 và 11 ước đạt 800 tỷ đồng. "Chắc chắn kế hoạch lãi 1.100 tỷ quý IV sẽ đạt được", ông Huyền khẳng định.
Năm 2022, DGC đặt kế hoạch doanh thu thuần 12.117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng. Với ước tính trên, DGC có thể sẽ vượt 16% chỉ tiêu doanh thu và vượt 71% mục tiêu lợi nhuận năm.
Chủ tịch cũng nhấn mạnh mọi hoạt động kinh doanh công ty đều bình thường. Công ty khẳng định có nền tảng tài chính với dư tiền gửi trên 8.000 tỷ và số nợ vay phải trả 600 tỷ đồng. "Là một công ty xuất khẩu lớn nên đã hưởng chênh lệch tỷ giá hàng chục tỷ đồng mỗi tháng. Tuy giá cả có giảm cho một số mặt hàng nhưng lợi nhuận vẫn rất tốt, gần như không có hàng tồn kho, không có nợ xấu...", trích thư gửi cổ đông của Chủ tịch DGC.