Công nghệ

Khi ứng dụng chia sẻ vị trí thành thước đo tình bạn

Olive Okoro, 19 tuổi, hàng ngày vẫn chia sẻ vị trí của mình với khoảng mười người bạn mà cô tin tưởng nhất. Thông qua công cụ Find My của Apple, họ có thể nhìn thấy người kia đang ở đâu theo thời gian thực mà không cần phải hỏi. Nhóm của Okoro coi đây là một cách để củng cố tình bạn giữa họ.

Tuy nhiên, sự tiện dụng này cũng khiến cô nhiều lần rơi vào tình huống khó xử. Khi ai đó bắt đầu hoặc kết thúc việc chia sẻ vị trí, những người như Okoro sẽ được thông báo qua iMessage.

"Nhận thông báo vị trí giống như một đặc ân vậy. Nhưng khi có ai đó dừng chia sẻ, bạn cảm thấy như bị khinh thường và ghét bỏ", cô nói.

Hè năm nay, khi mối quan hệ với hai người bạn trong nhóm trở nên căng thẳng, việc đầu tiên Okoro làm không phải là chặn số điện thoại hay tài khoản mạng xã hội. Cô ngừng chia sẻ vị trí của mình với họ. "Khi tình bạn không còn, tôi muốn họ biết điều đó thông qua việc tắt vị trí của mình", cô nói.

Ra đời từ năm 2011 với tên Find My Friends trên iPhone, ứng dụng Find My giờ đây không chỉ là công cụ giúp người dùng tìm kiếm các thiết bị Apple, mà còn là cách để mọi người thông báo vị trí với nhau. Theo báo của của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2013, chỉ 7% người trưởng thành ở Mỹ nói đã chia sẻ vị trí của mình với bạn bè trên mạng xã hội. Đến 2022, theo khảo sát của Harris Poll, 69% thế hệ Gen Z và 77% giới trẻ cho biết đôi khi họ kích hoạt tính năng này, cao hơn mức 62% của người trưởng thành ở Mỹ.

Theo New York Times, việc sử dụng Find My đã trở thành một yếu tố quan trọng trong quan hệ bạn bè của nhiều người trẻ. Nếu được đưa vào danh sách Find My, họ cảm thấy mối quan hệ thân thiết hơn, giống như vào danh sách bạn bè thân thiết trên Instagram hay chuyện riêng tư trên Snapchat.

Bề ngoài, việc chia sẻ vị trí là cách để họ biết người thân của mình luôn an toàn, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro về quyền riêng tư và đôi khi làm mối quan hệ bạn bè trở nên phức tạp hơn.

Jade Calvin-Nau, 24 tuổi sống tại New York, cho biết cô giữ kết nối với khoảng 18 người bạn đại học của mình thông qua Find My. Khi còn học cùng nhau, đây là công cụ giúp họ biết mọi người có về nhà an toàn không sau những buổi đi chơi đêm. "Thay vì nhắn tin hỏi từng người 'bạn đang ở đâu', chúng tôi chỉ cần lên ứng dụng và kiểm tra", Calvin-Nau kể.

Sau khi tốt nghiệp, những icon đại diện cho 18 người bạn kia của cô rải rác khắp nơi trên thế giới. Họ vẫn thường xuyên kiểm tra ứng dụng và chơi trò đoán vị trí của nhau. "Nó giống như một mạng xã hội. Bạn cũng có thể làm mới thông tin giống như Twitter vậy".

Calvin-Nau cho biết Find My giúp cô không cần hỏi bạn bè của mình ở đâu bởi hoàn toàn có thể kiểm tra trên ứng dụng. Ảnh: The New York Times

Calvin-Nau cho biết Find My giúp cô không cần hỏi bạn bè của mình ở đâu bởi hoàn toàn có thể kiểm tra trên ứng dụng. Ảnh: The New York Times

Tuy nhiên việc theo dõi vị trí của người khác đôi khi khiến mối quan hệ trở nên xấu đi. Một ngày tháng 7, Shay Pierre mở Find My trên iPhone và bất ngờ thấy vị trí của một người bạn của mình tại chung cư lạ. Cô phóng to tòa nhà, chụp lại và nhắn tin trêu đùa với bạn của mình. Người bạn sau đó thừa nhận đang hẹn hò. "Nếu không có công cụ này, chắc tôi sẽ không biết về mối quan hệ mới của bạn mình", Pierre kể.

Tuy nhiên khi tìm lại vị trí của tòa nhà kia sau đó, Pierre phát hiện nó đã được gắn nhãn "Không phải việc của bạn".

Theo Eva Galperin, Giám đốc an ninh mạng tại tổ chức Electronic Frontier Foundation, việc cung cấp vị trí sẽ đi kèm rủi ro về quyền riêng tư, đặc biệt khi người dùng không biết vị trí của họ tiếp tục được chia sẻ với ai và trong bao lâu. Giờ đây, nó còn trở thành một tiêu chuẩn đánh giá mức độ thân thiết và không ai chống lại thói quen chia sẻ đó.

"Nhiều người ban đầu có thể đồng ý chia sẻ, nhưng sau đó mối quan hệ bạn bè không còn như cũ, họ cũng sẽ rất khó ngừng việc này", Galperin nhận định.

Các chuyên gia xã hội đánh giá xu hướng này đã làm thay đổi cách mà những người bạn giao tiếp với nhau và làm mờ đi những ranh giới về tính riêng tư. Họ dễ dàng kiểm tra vị trí của nhau, từ đó bỏ qua những cuộc đối thoại. Thay vì hỏi bạn bè của mình đang làm gì, cuộc sống ra sao, họ có thể thu thập những thông tin đó từ Find My.

Amanda Lenhart, nhà nghiên cứu của tổ chức Data & Society chuyên đánh giá về cách thức công nghệ ảnh hưởng đến gia đình, cho rằng tâm lý "sợ bị bỏ lỡ" - vốn xuất hiện trên nhiều người sử dụng mạng xã hội, đang lan dần sang người dùng các công cụ chia sẻ vị trí như Find My.

"Có thể sẽ có lúc bạn phát hiện bạn bè của mình đang tụ tập mà không có mình. Điều đó gây ra những sự khó chịu về mặt cảm xúc", Lenhart nói.

Điều này đã xảy ra với Karine Irwin, 22 tuổi, đến từ El Paso. Năm ngoái, khi đại dịch xảy ra và mọi người được yêu cầu hạn chế ra ngoài, cô vô tình phát hiện 5 người bạn của mình không ở nhà của họ. Điều này khiến Irwin bắt đầu suy nghĩ có phải họ vẫn cố tụ tập bất chấp các lệnh hạn chế hay không. Tâm lý bị bỏ rơi, kết hợp với nỗi lo lắng cho sự an toàn của bạn bè khiến Irwin dần trở nên ám ảnh và phải đi gặp bác sĩ tâm lý.

"Tôi chỉ cảm thấy yên tâm khi biết bạn bè ở đâu, cũng như họ biết vị trí của tôi. Bác sĩ đề nghị tôi xóa Find My. Nhưng tôi nghĩ mình không thể", Irwin nói.

(theo New York Times)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm