Nhiều tuần nay, cuộc khủng hoảng năng lượng do đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán đi kèm đã tàn phá khắp Tứ Xuyên, tỉnh có 80 triệu người ở tây nam Trung Quốc.
Đó là những tòa nhà chọc trời mờ mịt, nhà máy đóng cửa, tàu điện ngầm tối om, khiến nhà cửa và văn phòng chìm trong mất điện; người dân buộc phải rút phích cắm điều hòa không khí. Tại các trang trại bị cắt điện, hàng nghìn con gia cầm và vô số cá không thể sống sót nổi.
Tác động đã được cảm nhận trên quy mô lớn, từ thành phố lớn lân cận Trùng Khánh và các tỉnh phía đông dọc theo sông Dương Tử đến trung tâm tài chính Thượng Hải - nơi các tòa cao ốc rực rỡ ánh đèn mang tính biểu tượng đã tắt bớt thiết bị điện trong tuần này để tiết kiệm năng lượng.
Ở một quốc gia tự hào về sự tăng trưởng và ổn định kinh tế, tình trạng thiếu điện trầm trọng đã gây ra một cú sốc đối với người dân, những người trong những thập kỷ gần đây đã quen với điều kiện sống và cơ sở hạ tầng được cải thiện.
Đối với nhiều người, việc cắt điện kéo dài làm sống lại ký ức về quá khứ xa xôi - một thời kỳ đã qua trước khi sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc mở ra những đô thị xa hoa và đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói. Và hiện nay, biến đổi khí hậu đang đe dọa phá vỡ cảm giác an toàn và tăng trưởng kinh tế.
Đợt nắng nóng đang diễn ra là đợt tồi tệ nhất mà Trung Quốc từng chứng kiến kể từ khi các kỷ lục được ghi nhận cách đây hơn 60 năm. Nó đã kéo dài hơn 70 ngày, quét qua các vùng đất rộng lớn của Trung Quốc và phá vỡ kỷ lục nhiệt độ tại hàng trăm trạm khí tượng.
Quy mô tuyệt đối của nền kinh tế và dân số Trung Quốc có nghĩa là bất kỳ sự gián đoạn lớn nào đối với nguồn cung cấp điện của nước này đều có thể gây ra tổn thất lớn. Li Shuo, cố vấn khí hậu của tổ chức Greenpeace (Hòa bình Xanh) tại Bắc Kinh, nói: “Những hiện tượng thời tiết được gọi là cực đoan này sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến cuộc sống và nguồn cung cấp điện của chúng tôi. Và có lẽ tất cả chúng ta cần phải xem xét lại liệu những sự kiện cực đoan này có trở thành bình thường mới hay không”.
Các chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng điện ở Tứ Xuyên là một ví dụ cho thấy hệ thống năng lượng của Trung Quốc kém mạnh mẽ hơn nhiều so với mức cần thiết để đối mặt những thách thức ngày càng tăng do biến đổi khí hậu. Một số người tin rằng, ngành công nghiệp đang đi đúng hướng trong việc cải cách.
Những người khác lo lắng rằng, Trung Quốc sẽ chuyển sang xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than hơn để đảm bảo cung cấp năng lượng. Điều này có nguy cơ làm xói mòn cam kết của Trung Quốc về đạt mức carbon cao nhất vào năm 2030 và mức độ trung hòa carbon vào năm 2060.
Khủng hoảng điện
Nằm dọc thượng nguồn sông Dương Tử, con sông dài nhất và lớn nhất Trung Quốc, Tứ Xuyên nổi tiếng với nguồn nước phong phú và chủ yếu dựa vào thủy điện. Trong bối cảnh nắng nóng thiêu đốt và hạn hán kéo dài, các hồ chứa trên khắp Tứ Xuyên đang khô cạn, làm tê liệt các nhà máy thủy điện chiếm gần 80% công suất phát điện của tỉnh.
Trong tháng này, công suất thủy điện của Tứ Xuyên đã giảm 50%, theo Điện lực Trung Quốc. Trong khi đó, đợt nắng nóng không ngừng đã đẩy nhu cầu điện năng lên mức cao chưa từng thấy, khi số người người dân và doanh nghiệp sử dụng máy lạnh tăng mạnh.
Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch ở Phần Lan (CREA) nói: “Nhu cầu điện của Trung Quốc trước đây không đổi, vì phần lớn trong số đó đến từ ngành công nghiệp, không phải từ các hộ gia đình hay dịch vụ. Giờ đây, khi điều hòa không khí trở nên phổ biến hơn, nhu cầu ngày càng cao”. Những năm gần đây, mưa lũ cũng trở nên tồi tệ hơn. Mưa lớn và hạn hán khiến thủy điện trở nên kém tin cậy hơn nhiều so với nguồn công suất khả dụng trong những thời kỳ đỉnh điểm đó.
Theo David Fishman, một nhà phân tích về năng lượng Trung Quốc tại công ty tư vấn The Lantau Group, vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi theo truyền thống, Tứ Xuyên là nhà “xuất khẩu” điện năng lớn trong mùa mưa. Mặc dù công suất phát điện đã giảm mạnh, Tứ Xuyên vẫn phải tôn trọng các hợp đồng “xuất khẩu” của mình với các tỉnh khác, điều mà ông Fishman cho rằng "thực sự khó đạt được".
"Nhưng ngay cả khi họ có thể, các cơ sở phát điện ở Tứ Xuyên được xây dựng để ‘xuất khẩu’ điện sang bờ biển phía đông", ông nói. "Chúng không thực sự có khả năng kết nối tốt với phần còn lại của lưới điện Tứ Xuyên. Chúng không bao giờ nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ điện ở Tứ Xuyên".
“Làm dịu cơn khát bằng uống thuốc độc”
Để giảm bớt căng thẳng năng lượng, Tứ Xuyên đang chạy các nhà máy điện than, làm dấy lên lo ngại của các nhà bảo vệ môi trường về khả năng gia tăng phát thải khí nhà kính.
Nhà máy điện Tứ Xuyên Quảng An là nhà máy nhiệt điện than lớn nhất khu vực, đã hoạt động hết công suất trong 21 ngày liên tục. Công ty cho biết sản lượng điện trong tháng 8 sẽ tăng 313% so với một năm trước đó.
Tỉnh cũng đang khai thác nhiều than hơn. Tập đoàn Công nghiệp Than Tứ Xuyên, công ty khai thác than lớn nhất, đã tăng hơn gấp đôi sản lượng than nhiệt kể từ giữa tháng 8. Tuần trước, Tứ Xuyên đã mở kho dự trữ than quốc gia đầu tiên. Trên toàn quốc, lượng than tiêu thụ hằng ngày tại các nhà máy điện đã tăng 15% trong hai tuần đầu tiên của tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc.
Tuần trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính cho biết chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ các nhà máy than để đảm bảo cung cấp điện ổn định. Trong khi tiêu thụ than tăng vọt có thể là một giải pháp khắc phục tạm thời, ông Li, cố vấn của tổ chức Greenpeace, lo ngại cuộc khủng hoảng thủy điện có thể được các nhóm lợi ích than sử dụng để vận động cho nhiều nhà máy than hơn.
Ông Li nhận định: “Có khả năng tình trạng thiếu điện do các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai có thể trở thành động lực mới để Trung Quốc phê duyệt nhiều dự án (nhiệt điện than) hơn”. Năm ngoái, sau khi tình trạng thiếu than gây ra hàng loạt vụ mất điện trên khắp Trung Quốc, chính phủ bắt đầu phát đi tín hiệu tập trung mới vào "an ninh năng lượng". Đến quý cuối cùng của năm, công suất than mới được phê duyệt tăng trở lại, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhà nước, Greenpeace cho biết trong một báo cáo được công bố vào tháng trước.
Trong quý đầu tiên của năm nay, chính quyền các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch bổ sung tổng cộng 8,63 gigawatt (GW) cho các nhà máy điện than mới, bằng gần một nửa công suất được phê duyệt cho cả năm 2021, theo báo cáo của Greenpeace. Báo cáo cho biết: “An ninh năng lượng đã trở thành một loại từ khóa cho than đá, thay vì cho nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy”.
Yu Aiqun, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại tổ chức phi chính phủ Global Energy Monitor (Mỹ), ví việc biến than - nguyên nhân lớn nhất gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu - đối với an ninh năng lượng là "giải khát bằng uống thuốc độc". "Trung Quốc có nỗi ám ảnh về điện than - có một cảm giác phụ thuộc rất lớn. Bất cứ khi nào có vấn đề về năng lượng xảy ra, họ luôn cố gắng tìm kiếm câu trả lời từ điện than... Điều này đang diễn ra ngược lại với các mục tiêu khí hậu của họ", bà Yu nói.
Thử thách lớn
Phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ có tác động đến phần còn lại của thế giới. Đất nước 1,4 tỷ dân là quốc gia thải ra lượng khí CO2 lớn nhất thế giới, chiếm 27% lượng khí thải toàn cầu. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, việc tăng công suất than chỉ là một phần trong câu trả lời của Trung Quốc đối với cải cách năng lượng rất cần thiết.
Myllyvirta của CREA cho biết, sau tình trạng thiếu điện vào năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp quan trọng để tăng tính linh hoạt của giá cả và lợi nhuận của năng lượng sạch.
Ông nói: “Thách thức lớn trong hệ thống của Trung Quốc là lưới điện đang được vận hành theo một cách rất cứng nhắc. Các tỉnh khác nhau không chia sẻ công suất và sử dụng công suất của mình một cách tối ưu để cân bằng tải trong khu vực”. Do đó, nhu cầu xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện có thể giảm đáng kể nếu lưới điện của Trung Quốc có thể được quản lý hiệu quả và linh hoạt hơn.
Ngoài hình thức điện than mới, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh xây dựng dự án năng lượng tái tạo - công suất lắp đặt năng lượng mặt trời và năng lượng gió của nước này hiện chiếm 35-40% tổng công suất toàn cầu.
Ông Fishman, nhà tư vấn năng lượng, cho biết các nhà máy điện than mới không nhất thiết phải được sử dụng; thay vào đó, chúng được xây dựng để dự phòng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo đang mở rộng nhanh chóng - trong trường hợp gặp vấn đề, như hạn hán đang diễn ra ở Tứ Xuyên.
Theo ông Fishman, các nhà hoạch định hệ thống điện của Trung Quốc nhận thức được những thách thức mà họ phải đối mặt, và ngành công nghiệp nói chung đang đi "đúng hướng". Ông nói, đợt nắng nóng kỷ lục và tình trạng khan hiếm điện ở Tứ Xuyên cho thấy sự cần thiết phải cải tổ hệ thống lưới điện. Ông nói: “Bởi vì nếu không có chúng, đây sẽ là một sự kiện có thể xảy ra 5 hoặc 10 năm một lần, và nó sẽ tê liệt sau mỗi 5 hoặc 10 năm, hoặc thậm chí có thể thường xuyên hơn”.