Doanh nghiệp

Khi Bầu Đức gồng mình trả nợ: "Tài sản không sinh lời" có thể bán của HAGL gồm những gì?

Khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng và việc trả nợ của HAGL vẫn luôn được các nhà đầu tư quan tâm theo dõi. Ngày 29/9, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) công bố vừa thực hiện mua lại một phần lô trái phiếu doanh nghiệp mã HAGLBOND16.26 trị giá 605 tỷ đồng, thời gian hoàn tất 28/9, số dư nợ trái phiếu còn lại là 5.271 tỷ đồng.

Nguồn tiền mua lại trước hạn lô trái phiếu trên được HAG thu từ khoản nợ của HNG

Trước đó, nói về kế hoạch trả nợ bầu Đức cho biết, trong lộ trình dài hơi hơn, HAG có thể bán tiếp các tài sản không sinh lời như Bệnh viện HAGL và một số tài sản trên đất khác, dự thu về hàng trăm tỷ đồng cũng để phục vụ việc trả nợ.

"Nếu mọi chuyện thuận lợi, 2024-2025, Hoàng Anh Gia Lai sẽ xóa hết nợ ngân hàng", bầu Đức nói.

Các tài sản không sinh lời như bệnh viện HAGL mà bầu Đức nhắc tới nằm trong các khoản đầu tư vào công ty con. Trên thực tế, thoái vốn các khoản đầu tư vào công ty con không hiệu quả là một cách để đem lại dòng tiền cho công ty và tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo BCTC bán niên 2022 hợp nhất của HAGL, công ty đang có 6.691 tỷ đồng giá trị các khoản đầu tư vào công ty con, tăng 48% so với thời điểm đầu năm.

Khi Bầu Đức gồng mình trả nợ: Tài sản không sinh lời có thể bán của HAGL gồm những gì? - Ảnh 1.

Nguồn: theo BCTC HAGL bán niên 2022

Trong số 7 công ty con hiện tại, công ty TNHH HAGL Vientiane và công ty CP BAPI HAGL là 2 công ty mà tập đoàn đã hoàn tất việc mua thêm cổ phần để chuyển thành công ty con trong nửa đầu năm nay.

Công ty CP BAPI HAGL là đơn vị kinh doanh thương mại tập trung vào thương hiệu thịt heo sạch Bapi. Heo ở đây được nuôi theo quy trình khép kín với thức ăn chủ lực là trái chuối trồng xuất khẩu của HAGL, với "3 không": không thuốc kháng sinh, không thuốc tăng trọng, không đạm động vật. "Heo ăn chuối" được kỳ vọng mang lại nguồn thu nhập và dòng tiền đáng kể cho HAGL trong thời gian tới.

Một trong số những khoản đầu tư vào công ty con được bầu Đức nhắc tới như là "tài sản không sinh lời".

Bệnh viện ĐHYD-HAGL là Bệnh viện đa khoa có trụ sở tại TP Pleiku, Gia Lai được thành lập năm 2012 dựa trên sự hợp tác của hai thương hiệu lớn là bệnh viện ĐHYD TP HCM và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Pháp nhân của bệnh viện là Công ty CP bệnh viện đại học Y dược HAGL. Theo BCTC của HAGL, giá gốc đầu tư của HAGL vào công ty này trị giá 99 tỷ đồng, tương đương nắm 99% cổ phần. Khoản đầu tư này theo bầu Đức là "không sinh lời" nhưng không thấy trích lập dự phòng trên BCTC.

Khi Bầu Đức gồng mình trả nợ: Tài sản không sinh lời có thể bán của HAGL gồm những gì? - Ảnh 2.

Bệnh biện ĐHYD - HAGL

Trái lại, khoản đầu tư vào bóng đá của HAGL tại Công ty CP thể thao HAGL tính đến 30/06/2022 đã được trích lập dự phòng toàn bộ, với giá trị là 89,7 tỷ đồng. Công ty CP thể thao HAGL là đơn vị quản lý Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, gắn với tên tuổi và sự nghiệp làm bóng đá của ông Đoàn Nguyên Đức, hay còn gọi là"Bầu" Đức.

Năm 2020, Bầu Đức tiết lộ ông đã bỏ ra 2.000 tỷ đồng để làm bóng đá trong vòng 20 năm. Điểm nhấn đầu tiên trong sự nghiệp bóng đá của bầu Đức đó là việc bỏ tiền mua những ngôi sao, như Kiatisak, Dusit, Lee Nguyễn, Huỳnh Kesley, Thong Lao, Việt Thắng... mang lại sức mạnh cho đội bóng phố núi HAGL.

Hoàng Anh Gia Lai giành quyền lên chơi ở V.League mùa đầu tiên vào năm 2003. Đó cũng là năm mà đội bóng phố Núi đã giành chức vô địch đầy ấn tượng, ngay sau đó họ cũng bảo vệ thành công chức vô địch vào năm 2004.

Năm 2007, bầu Đức đã có bước ngoặt lớn trong sự nghiệp làm bóng đá của mình, đó là đầu tư cho việc đào tạo cầu thủ trẻ với sự ra đời của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG.

Tháng 3 năm 2007, những hecta cao su đang ở tuổi thu hoạch bị chặt bỏ, nhường chỗ cho Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG ra đời trên khu đất 5 hecta cao su cách thành phố Pleiku 13 km.

Học viện bóng đá được khánh thành sau 7 tháng xây dựng, điều đáng nói vào thời điểm ấy, bình quân 1 ha cao su thu hoạch cho giá trị khoảng 300 triệu đồng/năm.

Khi Bầu Đức gồng mình trả nợ: Tài sản không sinh lời có thể bán của HAGL gồm những gì? - Ảnh 3.

Nguồn: Dulichdiaphuong.com

Chính lứa cầu thủ trưởng thành từ cái nôi HAGL Arsenal JMG như Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Hồng Duy, Văn Thanh, Văn Toàn... đã trở thành nòng cốt của U19 Việt Nam tạo ra cơn sốt bóng đá ở giải U19 Đông Nam Á 2014 diễn ra tại Việt Nam.

Cũng chính họ sau này cùng các đồng đội tạo ra kỳ tích cho bóng đá Việt Nam tại giải U23 Châu Á 2018. Bây giờ tất cả vẫn là lực lượng nòng cốt của đội tuyển Việt Nam.

Bầu Đức cũng chính là người đã tham gia vào nhóm các ông bầu thành lập ra Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Sau này ông cũng trở thành Phó Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7. Việc trở thành một thế lực của bóng đá Việt Nam cũng giúp cho tên tuổi của bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai được biết đến rộng rãi.

Dù hoạt động kinh doanh từ sau khi chuyển sang làm nông nghiệp liên tiếp gặp nhiều khó khăn và sóng gió nhưng những đóng góp và tâm huyết của bầu Đức với nền bóng đá Việt Nam được người yêu thể thao ghi nhận và trân trọng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm