Tập đoàn Central Retail của Thái Lan vừa tiết lộ kế hoạch chi 30 tỷ baht (790 triệu USD) để mở rộng quy mô gấp đôi tại Việt Nam với mạng lưới bán lẻ lên ít nhất 710 cửa hàng vào năm 2026.
Tập đoàn Central Retail của Thái Lan vừa tiết lộ kế hoạch chi 30 tỷ baht (790 triệu USD) để mở rộng quy mô gấp đôi tại Việt Nam với mạng lưới bán lẻ lên ít nhất 710 cửa hàng vào năm 2026.
Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan cho biết muốn mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam - thị trường đầy hứa hẹn với tốc độ tăng trưởng lớn, theo Nikkei.
"Chúng tôi luôn muốn đặt mình vào trung tâm cuộc sống của người tiêu dùng", Olivier Langlet, CEO Central Retail Việt Nam nói. Đồng thời cho biết, công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 100 tỷ baht (2,65 tỷ USD) vào năm 2026.
Đại siêu thị GO! tại Lào Cai, một trong số chuỗi Central Retail hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: Central Group
Lần đầu vào Việt Nam từ năm 2012, thị trường này đã phát triển ổn định, mang về doanh thu 38,6 tỷ bath cho Central Retail năm ngoái, chiếm khoảng 20% tổng nguồn thu của doanh nghiệp này. Đơn vị tại Việt Nam cũng là công ty kiếm tiền tốt nhất của Central Retail bên ngoài thị trường Thái Lan.
Theo ông Langlet, đến năm 2026, các cửa hàng của Central Retail tại Việt Nam sẽ cung cấp nhiều hình thức bán cả thực phẩm và phi thực phẩm. Tập đoàn Thái Lan có kế hoạch phủ sóng 55 trong số 63 tỉnh thành của Việt Nam trong 5 năm tới.
Trong 5 năm tới, Central Retail dự kiến sẽ tăng gấp đôi số lượng đại siêu thị tại Việt Nam lên hơn 70 đại siêu thị. Các đại siêu thị này có diện tích từ 4.000-7.000 m2.
Central Retail không phải ông lớn duy nhất ráo riết "nhắm" đến Việt Nam.
Aeon của Nhật Bản cũng đặt kế hoạch sẽ có khoảng 100 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2025. Thế mạnh của công ty này là ở các trung tâm mua sắm và nhiều siêu thị của tập đoàn tại Việt Nam có quy mô khoảng 300 m2. Các địa điểm mới sẽ có diện tích từ 500 m2 trở lên và Aeon sẽ tạo sự khác biệt với dòng sản phẩm tươi sống và sản xuất sẵn được áp dụng theo bí quyết của Nhật Bản.
Trong khi đó, tập đoàn bán lẻ khổng lồ Lotte của Hàn Quốc, vốn có thế mạnh trong việc vận hành các trung tâm mua sắm đô thị lớn, có kế hoạch mở thêm Lotte Marts tại Việt Nam.
Tập đoàn Lotte từng coi Trung Quốc là thị trường trọng điểm thứ ba sau Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng tập đoàn này đã rút khỏi Trung Quốc vì ảnh hưởng địa chính trị và nâng Việt Nam lên vị trí thứ 3.
Một yếu tố thúc đẩy sự xâm nhập của hệ thống bán lẻ hàng loạt vào Việt Nam là tiềm năng kinh tế cao.
Mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết, GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.
Các nhà bán lẻ đa quốc gia cũng hy vọng sẽ thu được lợi nhuận từ việc hiện đại hóa trải nghiệm mua sắm của Việt Nam. Trong khi các cửa hàng bán lẻ và các hình thức truyền thống khác chiếm thị phần lớn trên thị trường bán lẻ ngày nay, thì đại dịch đã khiến nhiều người tiêu dùng chuyển sở thích sang các siêu thị, nơi mang lại sự an tâm và nguồn cung sản phẩm ổn định.
(Theo Nikkei)