Bất động sản

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Lãi suất tăng, các ngân hàng Việt phải làm gì để người dân mua được nhà?

Lần đầu tiên kể từ năm 2020, thời điểm Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn đầy biến động vì đại dịch Covid-19, một số mức lãi suất điều hành vừa đồng loạt tăng 1%, có hiệu lực từ ngày 23/9.

Động thái điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tương tự nhiều nền kinh tế khác trên thế giới nhằm giảm lạm phát.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (FED) từ đầu năm tới nay đã nâng lãi suất 5 lần, lần gần đây nhất vào ngày 21/9. Mức lãi suất hiện nay của Mỹ khoảng 3 – 3,25%, cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhưng FED dự định còn nâng lên 4,4% vào cuối năm nay.

Lãi suất cho vay bất động sản tại Mỹ từ đó cũng tăng theo, lên mức 6,5 - 7%/năm, tác động mạnh mẽ đến thị trường nhà đất. Theo ngân hàng JP Morgan, lãi suất cho vay bất động sản tăng 1% sẽ làm lượng nhà bán ra giảm 5%. Trước dự báo FED tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, thị trường nhà đất Mỹ sẽ tiếp tục giảm nhiệt.

Thị trường tài chính và bất động sản tại Việt Nam có khả năng cũng sẽ diễn biến tương tự. Trong chương trình LandShow số 22 của VTV Money, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia với 42 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Mỹ và Việt Nam, đánh giá lãi suất tăng sẽ làm giảm khả năng mua nhà của người dân.

"Trong ngành ngân hàng, chúng tôi tính tỷ lệ trả gốc và lãi cho ngân hàng khi vay mua nhà chia cho thu nhập bình quân người mua nhà ở khoảng 60% là hợp lý. Nhưng với lãi suất tăng như hiện nay, tôi nghĩ tỷ lệ này đã vượt ngưỡng an toàn, có thể làm nhiều người không đủ điều kiện vay ngân hàng để mua nhà", ông nhận định.

TS. Nguyễn Trí Hiếu còn cho rằng chương trình cho vay hiện tại của các ngân hàng Việt Nam đã lỗi thời và cần cải tổ.

"Rất nhiều ngân hàng mời gọi khách vay tiền mua nhà ở với lãi suất khởi đầu thậm chí bằng 0 cho 6 tháng đến 1 năm. Sau thời gian đó, lãi suất được điều chỉnh. Nhưng cách tính lãi suất như vậy là một loại lãi suất thả nổi, bởi sau một năm lãi suất huy động trên thị trường sẽ thay đổi. Điều này gây khó khăn cho người mua nhà, bởi nếu lãi suất tăng, họ phải chịu chi phí cao hơn", chuyên gia này phân tích. Ông đồng thời lấy ví dụ thị trường Mỹ có lãi suất cố định cho 30 năm, thậm chí lâu hơn.

"Thị trường tài chính phải tìm ra giải pháp để tìm những nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường bất động sản", ông nói thêm.

Để giải quyết vấn đề, ông cho rằng các Ngân hàng thương mại Việt Nam nên có những chính sách mới hướng đến phục vụ xã hội hơn là tập trung vào các đại gia bất động sản, những dự án lớn, lợi nhuận cao, mà không đưa ra các chương trình cho vay phù hợp với người có thu nhập thấp.

"Hoạt động đầu cơ, găm hàng, thổi giá rất phổ biến ở Việt Nam. Nhiều nhà kinh doanh bất động sản đầu tư vào những phân khúc thị trường cao cấp, lợi nhuận cao, hướng tới những khách hàng giàu có. Họ sẵn sàng đợi khi giá cao mới bán", TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Vì vậy, ngoài những điều chỉnh từ phía các ngân hàng để hỗ trợ người mua nhà, ông đánh giá thị trường bất động sản cũng cần được điều chỉnh và cải tổ mạnh mẽ, như xây dựng hệ thống thông tin minh bạch về phân khúc thị trường, giá cả sản phẩm để mọi người có thể tham khảo và ra quyết định phù hợp với nhu cầu của mình.

"Cuối cùng thì thị trường phải hướng đến mục đích phục vụ cho đại bộ phận dân chúng", ông nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm