Với dòng vốn dồi dào sau những đợt tăng vốn liên tiếp, các CTCK có khả năng đầu tư vào nhiều loại sản phẩm chứng khoán khác nhau (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ...). Điều này giúp cho các công ty này có thể tăng tính đa dạng và giảm rủi ro trong danh mục đầu tư.
Theo thống kê, tổng giá trị tài sản tự doanh của 55 CTCK hàng đầu tại thời điểm cuối tháng 9 đạt xấp xỉ 170.425 tỷ đồng (khoảng 7,3 tỷ USD), gần như đi ngang so với cuối quý II (170.109 tỷ đồng). Top10 CTCK có khoản tự doanh lớn nhất sở hữu danh mục hơn 125.316 tỷ đồng, chiếm 74% giá trị tự doanh toàn ngành và cũng xấp xỉ với thời điểm cuối quý II (125.386 tỷ đồng).
So với thời điểm cuối tháng 6, phân loại sản phẩm đầu tư đã có sự thay đổi. Cụ thể, các công ty chứng khoán mở rộng đầu tư cổ phiếu và chứng chỉ quỹ (14,6% lên 16,4%), trái phiếu (39,5% lên 44,8%); ngược lại thu hẹp đối với tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi (45,8% còn 38,8%); các tài sản khác chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Mỗi CTCK có chiến lược tự doanh khác nhau. Tuy nhiên, về mặt tổng quan cho thấy các đơn vị chủ yếu phân bổ danh mục vào tài sản đầu tư có thu nhập cố định (fixed income) như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi.
Việc phân bổ tài sản nhiều vào chứng chỉ tiền gửi liên quan đến việc đảm bảo thanh khoản. Nhiều đơn vị sử dụng sản phẩm đầu tư này để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại các ngân hàng khi nhu cầu thanh khoản tăng cao đến từ hoạt động vay ký quỹ (margin) của công ty. Hiện tại, SSI, VNDirect, VPS hay VCBS đang bỏ hơn phân nửa vốn tự doanh vào tiền gửi và/hoặc chứng chỉ tiền gửi.
Mặt khác, quyết định phân bổ tỷ trọng vào từng loại tài sản tài chính khác nhau còn do khẩu vị đầu tư. Nhiều CTCK tập trung vào tự doanh cổ phiếu như Vietcap, VIX, SHS; trong khi đó, TCBS, VPBankS hay KBSV ưa thích trái phiếu hơn.
Ở nhóm ưa chuộng cổ phiếu, Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) tiếp tục là đơn vị dẫn đầu tỷ trọng cũng như con số tuyệt đối về giá trị đầu tư. Danh mục cổ phiếu tại cuối quý III trị giá gần 7.200 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ gần 86% mảng tự doanh CTCK này (cuối quý II đạt 88%). Bên cạnh đó, công ty có hơn 1.200 tỷ đồng phân bổ cho trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi.
Cổ phiếu đang chiếm 76 - 77% tài sản tự doanh của Chứng khoán VIX (Mã: VIX) và SHS, tăng so với mức 53 - 55% tại thời điểm cuối quý II. Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHS) ghi nhận giá trị danh mục cổ phiếu tăng 25% lên 3.589 tỷ đồng sau 3 tháng; ngược lại giảm 36% trái phiếu về 1.002 tỷ đồng, đồng thời chỉ còn nắm 13 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi trong khi cuối quý trước đạt 830 tỷ đồng.
Đối với VIX, trong quý III, đơn vị này đã bán một lượng chứng khoán với giá trị thu về hơn 2.370 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu chiếm 1.900 tỷ đồng. Giá trị toàn danh mục giảm 42% về 3.920 tỷ đồng tại cuối kỳ, bao gồm 3.053 tỷ đồng cổ phiếu và 867 tỷ đồng trái phiếu.
Nhóm CTCK có nguồn vốn ngân hàng ưa thích trái phiếu hơn cổ phiếu, kể đến như TCBS, VPBankS và VCBS.
TCBS duy trì vị thế là đơn vị đầu tư trái phiếu lớn nhất ngành. Giá trị trái phiếu tiếp tục tăng 11% trong quý III, đạt gần 15.000 tỷ đồng cuối kỳ, chiếm 84% danh mục tự doanh. Bên cạnh đó, công ty còn nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá 1.142 tỷ đồng và 1.790 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi.
Tài sản tự doanh của Chứng khoán VPBank (VPBankS) đạt 12.818 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối quý II. Danh mục bao gồm 10.545 tỷ đồng trái phiếu, 715 tỷ đồng cổ phiếu và 1.558 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi.
1/3 mảng tự doanh của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) là trái phiếu, tương đương với 1.540 tỷ đồng. Danh mục cuối kỳ còn bao gồm 275 tỷ đồng cổ phiếu và 2.725 tỷ đồng tiền gửi.
Một diễn biến khác, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã phát sinh đầu tư trái phiếu trong quý III, với giá trị cuối kỳ đạt 3.263 tỷ đồng, tương đương 59% danh mục. Đại diện với nguồn vốn từ Hàn Quốc còn nắm 3.263 tỷ đồng tiền gửi, lượng cổ phiếu không đáng kể.
Nếu xét theo con số tuyệt đối, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) và VNDirect (Mã: VND) xếp thứ hai và thứ 4 về sở hữu trái phiếu, với giá trị lần lượt 11.581 tỷ đồng và 9.596 tỷ đồng. Tuy nhiên, chứng chỉ tiền gửi mới là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất hoạt động tự doanh của hai ông lớn, với lần lượt 20.239 tỷ đồng và 12.382 tỷ đồng.
Quy tụ những nhân vật có sức ảnh hưởng trong giới tài chính Việt Nam đến từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp niêm yết, cố vấn tài chính từ các ngân hàng, công ty chứng khoán đầu ngành.
Cùng thảo luận về những chủ đề nóng nhất, trọng tâm nhất xoay quanh bức tranh kinh tế 2024, triển vọng kinh doanh các ngành.
Và một cuộc trình diễn độc đáo của số liệu và công nghệ hỗ trợ đầu tư. Với sự xuất hiện của công cụ phân tích dòng lệnh (Order Flow) đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Đây là phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới chủ yếu là được các quỹ tại Anh, Mỹ và các tổ chức trading chuyên nghiệp ứng dụng và hiện chưa phổ biến cho số đông nhà đầu tư.
Với những thông tin có giá trị cao từ các chuyên gia hàng đầu, Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024) với chủ đề “Theo dấu Dòng tiền” không chỉ hữu ích với các nhà đầu tư chứng khoán, bất động sản mà còn hỗ trợ các nhà kinh doanh, các nhà hoạch định lên kế hoạch kinh doanh phù hợp cho năm 2024.
Số lượng có hạn, đăng ký ngay tại đây.