Kỷ nguyên số là thời cơ rất thuận lợi để trầm hương Việt Nam mở rộng thị trường tiếp cận khách hàng giàu có. Tuy nhiên "con đường lên hương" không thể trông cậy những người "ngậm ngải" lặn lội các khu bảo tồn trộm cắp báu vật quốc gia mà cần minh bạch từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra.
Trên các nền tảng số hiện nay, từ khóa trầm hương không xuất hiện những bài báo công bố nghiên cứu mới mà tràn ngập thông tin bán hàng cùng những tài liệu liên quan cây dó bầu vốn đã rất cũ.
Cổng thông tin của Hội Trầm hương Việt Nam, thậm chí 7 tháng qua vẫn neo bài chúc tết của chủ tịch hội ở trang chủ, thông tin mới thì cũng là thông báo hội phí và thư mời "tham gia hội chợ dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm dược liệu" ở Vietramed Expo (diễn ra từ ngày 21.11.2024 đến 23.11.2024 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn - SECC).
Giá trị lớn nhiều mặt
Trên hành trình tìm kiếm tư liệu về trầm hương, chúng tôi cũng vô cùng biết ơn 2 người đi trước đã bỏ ra công sức đặc biệt cùng một tình yêu lớn cho báu vật quốc gia này để có bài nghiên cứu sâu và chia sẻ trên cổng thông tin của Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông (viết tắt là ORDI - thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam).
Người thứ nhất là ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Trầm Hương Khánh Hòa ATC. Cách đây 5 năm, ông đã xếp trầm hương và truyện Kiều của Nguyễn Du là "những tượng đài văn hóa Việt chinh phục trái tim thế giới".

Một gốc trầm đã được xử lý từ vườn trồng
ẢNH: V.K
Là người luôn viết hoa hai chữ trầm hương, trong bài đăng vào tháng 4.2020 trên trang của ORDI, ông Tưởng đã kể: "Giống như thơ Nguyễn Du, Trầm Hương ngày nay vẫn là sứ giả đại diện cho những ước vọng và tinh thần của người Việt Nam, đồng hành cùng tôi trên chặng đường lan tỏa giá trị Việt Nam đến với thế giới.
Thi nhân xưa đã trân quý Trầm Hương đến vậy là bởi sự tinh khiết, cao quý của vật phẩm này. Tiếp bước tiền nhân, tôi vô cùng tự hào được đưa Trầm Hương đến với thế giới như là minh chứng cho sức sống mãnh liệt và chất nhân văn của người Việt Nam.
Từ vết thương trên thân mình, Trầm tỏa hương - một mùi hương vĩnh cửu, không phai mờ theo thời gian. Đó là món quà tạo hóa ban tặng cho loài cây có sức sống mãnh liệt, bất chấp tổn thương vẫn lan tỏa giá trị cho mọi người. Cũng như dân tộc Việt Nam, trải qua đau thương vẫn là một dân tộc nhân ái, yêu chuộng hòa bình".
Và "trong một tương lai không xa, chúng ta có thể tự tin mà nói rằng: cảm được hương trầm cũng là hiểu được tinh thần của người Việt Nam. Trong tương lai đó, nhắc đến Việt Nam là nhắc đến Quốc Gia Trầm Hương, là nhắc đến Văn Hóa Thiền Trầm.
Những giá trị đó sẽ tạo cho Việt Nam một vị thế mới và một nguồn năng lượng mới để tiến nhanh tiến mạnh trên trường quốc tế, như lời khẳng định của PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam: Trầm Hương và Văn Hóa Thiền Trầm sẽ là một ngành kinh tế, là động lực mang lại sự khác biệt cho mảnh đất này".
Còn người thứ hai là nhà nghiên cứu Duy Bình, khi ông đã dày công sưu tầm tư liệu và chứng minh "trầm hương được tôn sùng trong các văn bản có ảnh hưởng sâu rộng của Ấn Độ giáo, Kitô giáo, Phật giáo và Hồi giáo.
Ngay từ năm 1400 TCN (năm 1400 trước công nguyên - PV), trầm hương đã được mô tả là một sản phẩm có mùi thơm trong các văn bản tiếng Phạn. Việc sử dụng hương thơm thực vật được ghi nhận sớm nhất trong kinh Vệ Đà của Ấn Độ cổ đại".
Con đường giàu có bền vững
Trong nhiều tài liệu chúng tôi tiếp cận có chi tiết đáng chú ý là, "có khoảng 7 quốc gia ở Đông Nam Á có trầm hương, nhưng không có nơi đâu trầm nhiều và chất lượng như ở Việt Nam.
Không những thế, trầm hương Việt Nam được đánh giá là tốt nhất thế giới bởi ngay các quốc gia khó tính như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (Dubai), Đông Bắc Á… người ta đã biết đến giá trị của trầm hương Việt Nam".
Tuy nhiên công bằng mà nói, đó có thể chỉ là chuyện của trầm hương do "những người thợ rừng" thực hiện.
Và "sản vật cao quý nhất được thế giới mệnh danh là gỗ của các vị thần, hương thơm cõi niết bàn, là linh khí của trời đất…" trên thực tế thường là tài nguyên quốc gia mà bất cứ tổ chức, cá nhân nào nếu chưa được nhà nước cho phép khai thác đều là nguồn không hợp pháp.
May mắn là nhiều năm qua bên cạnh những người như sư thầy Phạm Minh Tâm ở chùa Thanh Tâm trong câu chuyện đã kể, ở một số nơi trầm hương cũng được đầu tư minh bạch và "đàng hoàng bước ra thế giới".

Sư thầy Phạm Minh Tâm giới thiệu những cây dó ngậm trầm đã được khai thác
ẢNH: V.K
Cũng không thiếu những tên tuổi lớn "được thành lập dựa trên niềm đam mê sâu sắc đối với trầm hương cùng khát khao xây dựng và phát triển ngành công nghiệp trầm hương Việt Nam trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước".
Như Tập đoàn Trầm Hương Việt Nam, được giới thiệu là ngoài thế mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới còn rất chú trọng đầu tư vào vùng nguyên liệu, từ sản xuất cây giống đến nuôi trồng và cấy tạo trầm. Nói rõ hơn là nguyên liệu đầu vào đã cắt đứt được "cái đuôi" của thợ rừng chặt phá trong tự nhiên.
Trên thực tế, Hội Trầm hương Việt Nam ngay từ những ngày đầu được thành lập cách đây 15 năm cũng từng nhiều lần có công văn đến các địa phương, các nhà vườn và hội viên trồng dó bầu để thống kê diện tích cây trồng, số lượng cá thể với các nhóm tuổi khác nhau, "đồng thời gửi mẫu tiêu bản có đủ cành, lá, hoa, quả để phân tích, ngõ hầu khuyến cáo bà con chọn giống có năng suất cao và hy vọng cho trầm hương chất lượng tốt nhất đáp ứng thị trường kinh doanh".
Tiếc là, với các khảo sát năm 2016 được nhìn nhận "còn rải rác và ít ỏi về DNA khó có thể phân biệt rạch ròi các đơn vị dưới loài của cây dó bầu", từ đó đến nay đã gần 1 thập kỷ trôi qua vẫn chưa thấy xuất hiện những điều gì mới.
Đáng nói hơn, một vấn đề nghiêm túc và mang tính chiến lược từ những năm ấy, là "cần phải có một công trình nghiên cứu hệ thống và rộng lớn với nhiều mẫu phân bố trên nhiều vùng khác nhau", đến thời điểm này chúng ta vẫn còn nợ cây dó và các chủ vườn trồng.