Ba Lan đã hủy bỏ thỏa thuận cung cấp khí đốt kéo dài 10 năm với Nga sớm hơn 6 tháng. Điều này xảy ra sau khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngừng dòng chảy do Warsaw từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Ba Lan đã chuẩn bị cho thời điểm này trong nhiều năm. Cán cân năng lượng của quốc gia này dự kiến sẽ vẫn ổn định trong suốt mùa đông tới, nhờ vào việc tái cung cấp kịp thời cho kho chứa và đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt. An ninh năng lượng của Ba Lan dường như vẫn luôn được đảm bảo.
Khả năng "cách ly" khỏi khí đốt Nga của quốc gia này đã được ca ngợi như một ví dụ cho sự độc lập về năng lượng mà các nước Đông Âu có thể đạt được bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt mới. Vài ngày trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Phó Thủ tướng Ba Lan Jacek Sasin đã cảnh báo nguy cơ Nga ngừng cung cấp năng lượng là "hoàn toàn có thật". Tuy nhiên, ông đảm bảo Ba Lan đã chuẩn bị tốt hơn so với "các quốc gia khác đang phụ thuộc phần lớn vào khí đốt của Nga, chẳng hạn như Đức".
Lời nói của ông đã được chứng minh là có cơ sở. Kể từ khi căng thẳng diễn ra, Gazprom đã "khoá van" đối với Phần Lan, Bulgaria và Ba Lan, đồng thời cảnh báo về việc giảm dòng chảy sang Đức và các nước khác nhằm buộc họ phải thanh toán bằng đồng rúp. Tác động đối với Ba Lan có thể rất nghiêm trọng. Vào năm 2020, 45% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Ba Lan đến từ Nga. Thêm vào đó là 17% khác nhập khẩu từ Đức, mà hơn một nửa nguồn cung cấp khí đốt của quốc gia này cũng xuất phát từ Nga.
Trong khi các nước châu Âu đang tranh giành nguồn cung để tránh tình trạng trữ lượng khí đốt cạn kiệt đến mức nghiêm trọng, Ba Lan tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Việc này được tiến hành thông qua nhà ga Świnoujście LNG, bổ sung lượng khí dự trữ lên 90% vào ngày 19/5, cao hơn nhiều so với định mức theo mùa.
Nước này có nguồn cung cấp bổ sung qua Đường ống Baltic từ Na Uy, dự kiến sẽ vận chuyển tới 10 tỷ mét khối khí đốt Biển Bắc mỗi năm cho Ba Lan khi đi vào hoạt động kể từ tháng 10/2022. Với nhu cầu khí đốt đang giảm xuống do giá cả tăng cao, công ty khí đốt PGNiG của Ba Lan thậm chí dự đoán Đường ống Baltic không cần phải sử dụng hết công suất.
Theo công ty tư vấn Aurora Energy Research, ngay cả khi không có dòng khí đốt của Nga, Ba Lan vẫn khá ổn và có thể tận hưởng thặng dư khí đốt nhỏ vào năm 2023. Thặng dư 0,2 tỷ mét khối này đã cho thấy khả năng của Ba Lan trong việc đáp ứng nhu cầu thông qua các nguồn cung cấp trực tiếp - các trạm đầu mối LNG, đường ống Baltic và sản xuất trong nước.
Mức thâm hụt khí đốt của Ba Lan khi không có nguồn cung từ Nga, được tính bằng mức tiêu thụ trừ đi nguồn cung cấp trực tiếp theo kế hoạch của nước này
Tuy nhiên, triển vọng sẽ nhanh chóng thay đổi khi nhu cầu điện gia tăng và các nhà máy than "nghỉ hưu" khiến cán cân thâm hụt ngay sau năm 2024. Điều này có thể dẫn đến chênh lệch công suất điện từ năm 2026, thậm chí đe doạ vấn đề an ninh năng lượng của Ba Lan, theo nghiên cứu của Aurora.
Ba Lan dự kiến sẽ cắt giảm khoảng một nửa công suất nhiệt điện bằng than cứng trong thập kỷ này, với mức 19,7GW hiện tại giảm xuống còn 4,6GW vào năm 2030. Một phần trong số này sẽ được thay thế từ than sang khí. Công suất phát điện từ khí đốt tự nhiên sẽ tăng từ 4GW hiện nay lên 11GW vào năm 2030 khi các tổ máy nhiệt điện kết hợp (CHP), tuabin khí chu trình hỗn hợp (CCGT) và các tổ máy nhỏ linh hoạt hơn đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, điều này là không đủ. Nhu cầu đang tăng đều đặn từ 27GW lên 29GW trong thập kỷ này. Mức thâm hụt công suất của Ba Lan sẽ tăng từ 5GW vào năm 2027 lên 11GW vào năm 2029 và có thể lên tới 17GW vào năm 2035. Sự thiếu hụt về công suất có thể thay đổi khi nhu cầu tăng cao và năng lượng tái tạo không đáp ứng được.
Aurora dự đoán các nhà máy khí đốt sẽ là yếu tố hỗ trợ cho khoảng cách công suất. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy tiềm năng chỉ có thể sản xuất thêm 7GW khí đốt mới trong thập kỷ này. Hơn nữa, những nhà máy đó cũng cần được "nuôi dưỡng" bằng khí đốt.
Aurora tính toán nếu không có nguồn cung của Nga hoặc phụ thuộc vào các nước láng giềng, cán cân khí đốt của Ba Lan sẽ thâm hụt 2,8 tỷ mét khối vào năm 2024. Con số này sẽ mở rộng lên 11,2 tỷ mét khối vào năm 2026 trừ khi bến nhập khẩu 6 tỷ mét khối LNG được xây dựng ở Gdansk theo kế hoạch. Nếu không có cơ sở Gdansk thứ hai, thâm hụt khí đốt có thể tăng lên 12,9 tỷ mét khối vào năm 2030 và 14,5 tỷ mét khối vào năm 2035.
Warsaw đang cân nhắc việc giữ các nhà máy than cũ tiếp tục hoạt động. Theo Aurora, một chương trình trợ cấp và tân trang nhà máy có thể giữ cho tổng công suất than ở mức 12GW vào năm 2030, nhưng cũng không giúp ích gì nhiều cho an ninh năng lượng của Ba Lan vì nhiều nhà máy công suất 200MW đã "già cỗi", vận hành tốn kém.
Filip Piasecki, cộng sự cấp cao của Ba Lan tại Aurora cho biết: "Các nhà máy 200MW được xây dựng vào những năm 1970, chẳng hạn như Rybnik, Polaniec, Kozienice. Các nhà máy này dù vẫn hoạt động tốt nhưng lại đắt hơn các loại công nghệ khác. Việc ‘kéo dài hơi tàn’ cho các nhà máy than cũ không thể thay thế cho sản xuất khí do không có hiệu quả kinh tế".
Về lâu dài, Ba Lan trông đợi vào nhà máy điện hạt nhân đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2033, với công suất hạt nhân có khả năng lên đến 6-9GW vào năm 2043 và chiếm 10% sản lượng điện. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hạt nhân có nguy cơ bị trì hoãn hàng thập kỷ và chi phí vượt mức cho phép, ngay cả khi đạt được những tiến độ này, nó vẫn sẽ không giúp thu hẹp mức thâm hụt khí hiện tại.
Có khả năng một lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) 924MW do Mỹ thiết kế sẽ được triển khai tại Ba Lan sớm nhất là vào năm 2029. Các SMR chưa được chứng minh về mặt thương mại, vì vậy sẽ mang theo những rủi ro nhất định, nhưng lại hứa hẹn về nguồn điện không phát thải. Ba Lan đã đặt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 thông qua các nhà máy hạt nhân và triển khai điện gió ngoài khơi.