Hiên nay, nhiều người giữ vị trí lãnh đạo trong ngành y tế bị kỷ luật do mắc sai phạm, thậm chí có những người đã vướng vào vòng lao lý. Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Mạnh Hùng về vấn đề này.
GS.TS Phạm Mạnh Hùng là nhà khoa học đã nhiều năm làm việc trong lĩnh vực y tế nói chung và chuyên ngành ghép thận nói riêng. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Phạm Mạnh Hùng. Ảnh Trọng Tùng
NĐT: Người thầy thuốc từ trước tới nay luôn được xã hội coi trọng và tôn vinh bởi nghề thầy thuốc là nghề cứu người. Khi bước chân vào ngành y, bất cứ người thầy thuốc nào cũng thuộc lòng thời thề Hypocrat và khắc ghi tinh thần này suốt quá trình sống, làm việc. Tuy nhiên gần đây, nhiều người giữ vị trí lãnh đạo trong ngành y tế lại bị kỷ luật do mắc sai phạm và vướng vào vòng lao lý. Là một người dành cả cuộc đời cống hiến cho ngành, ông cảm thấy thế nào?
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng: Là cán bộ quản lý cũ của ngành y tế, chúng tôi rất buồn vì tình trạng những người ngồi trong ngành y tế từ lãnh đạo cao nhất là Bộ trưởng, các đồng chí lãnh đạo các đơn vị y tế đã phạm phải khuyết điểm. Khuyết điểm đó do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Theo Giáo sư, đâu là nguyên nhân dẫn đến nhiều việc đáng buồn như vậy?
Nguyên nhân thứ nhất là nguyên nhân chủ quan: đó là do sự rèn luyện của mỗi bản thân cán bộ, nhất là cán bộ có chức, có quyền đã thiếu bản lĩnh trong nền kinh tế thị trường.
Khi có chức có quyền cần phải nhớ rằng sẽ có càng nhiều nguy cơ phạm khuyết điểm bởi bản thân sẽ có nhiều nguy cơ lợi dụng các quyền chức để vi phạm. Không nên nghĩ rằng có chức quyền là điều thuận lợi để làm việc nọ việc kia. Khi tôi nhận chức Thứ trưởng Bộ Y tế, bản thân tôi đã nghĩ đến những thứ mình phải tránh. Từ những việc hách dịch cho đến việc xa rời anh em, kênh kiệu,…
Nguyên nhân thứ hai là một số nguyên nhân khách quan: Chúng ta cần phải phân biệt vấn đề quản lý và chuyên môn. Bản thân người cán bộ phải rèn luyện, bản thân tôi cũng may chưa bị vướng vào sự việc gì. Thời của chúng tôi làm việc không phức tạp như hiện nay, tiền bạc cũng không có nhiều... nhưng chúng tôi luôn phải rèn luyện, kiểm điểm thường xuyên. Ai bị vấn đề gì là phê bình ngay, không dám làm sai. Nhưng hiện nay khác, không ai dám phê bình lãnh đạo dù trên có chủ trương phê bình nhưng thực tế không làm. Bên cạnh đó, cần phải đào tạo, phải phân biệt vấn đề quản lý và chuyên môn là những nguyên nhân dẫn tới hậu quả đáng tiếc này của ngành y tế.
Tại nghị trường Quốc hội, khi bàn về thu nhập của nghề y, nhiều đại biểu đã nghẹn ngào. Phải chăng, thu nhập của người thầy thuốc còn thấp, thưa ông?
Vấn đề đãi ngộ với cán bộ y tế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều quan chức ngành y bị sai phạm. Nếu theo đúng tinh thần, khi đã là công chức nhà nước, hưởng lương của nhà nước thì thì phải làm việc cho nhà nước. Nhưng hiện nay nhiều người làm việc cho nhà nước thì ít mà phục vụ cá nhân, tư nhân, doanh nghiệp thì nhiều. Vì Vụ trưởng, Thứ trưởng Bộ Y tế, giỏi lắm cũng chỉ được hơn 10 triệu/tháng (tính theo lương cơ bản nhân hệ số lương) nhưng lương của chủ doanh nghiệp tới hàng trăm triệu đồng.
Khi lãnh đạo ngành y tế xuống kiểm tra doanh nghiệp sẽ xảy ra tình huống: Bản thân phía doanh nghiệp thấy mức thu nhập của cán bộ y tế cũng “thương” vì cán bộ giỏi thế mà lương thấp nên thôi cũng “tạo điều kiện” cho lãnh đạo, phong bì để đạt được mong muốn của doanh nghiệp và cán bộ y tế lại giúp doanh nghiệp cái này cái kia. Tự nhiên điều này trở thành cái sai.
Trong khi đó, người làm cán bộ công quyền chỉ đủ lương sống. Thậm chí có những nước quy định làm bác sĩ đơn vị công không được làm khối tư nhân, nếu làm tư nhân thì ra ngoài làm. Nhưng ở Việt Nam thì khác, chuyện bác sĩ công ở bệnh viện hiện nay cũng giống như làm chủ doanh nghiệp. Trong khi những người làm quản lý công quyền nhà nước kể cả các vụ trưởng, thứ trưởng, Bộ trưởng lương phải theo hệ số thì không thể được. Đó là thực tế mà ta cần nhìn vào đó để sửa.
Một nguyên nhân nữa là do vấn đề tổng thể về chính sách cán bộ. Theo tôi, cần phải có điều chỉnh, nhất là trong kinh tế thị trường. Cán bộ công quyền, nếu muốn thực hiện nghiêm việc “làm quan” thì không được nhũng nhiễu dân, đòi tiền, gây khó khăn cho dân để vòi vĩnh. Tư tưởng vòi vĩnh này cần phải loại bỏ, đó là đạo đức; đạo đức của công vụ. Ta chống tham nhũng là tốt nhưng phải xây dựng cơ chế để không thể tham nhũng được.
Giáo sư vừa nêu ý kiến cần phải phân biệt vấn đề quản lý cán bộ và chuyên môn trong ngành y tế. Xin ông chia sẻ rõ hơn về việc này?
Ngành y tế từ lâu có một nhược điểm là coi nhẹ công tác quản lý và không đào tạo công tác quản lý cho cán bộ. Ở các nước trên thế giới luôn quan tâm công tác đào tạo quản lý trước khi được bổ nhiệm làm một chức vụ nào đó. Tôi đã viết nhiều bài viết về vấn đề quản lý. Quản lý là vấn đề khoa học. Đó là khoa học về vấn đề quản lý trong đó có quản lý con người, vấn đề xây dựng tổ chức, vấn đề quản lý tài chính, quản lý kế hoạch…
Nhưng sai lầm lớn nhất của ngành y tế là lấy cán bộ chuyên môn giỏi ra làm cán bộ quản lý. Bản thân tôi được làm thứ trưởng Bộ Y tế là do thực hiện công tác ghép thận thành công tại BV 103 (Học viện Quân Y) trong khi tôi không được đào tạo một ngày nào về công tác quản lý. Giá như, giữ tôi làm cán bộ ghép thận thì tôi chắc sẽ phát triển tốt hơn làm thứ trưởng Bộ Y tế. Tôi chẳng biết đấu thầu là gì, không biết đô-la là gì. Lúc bấy giờ, tôi chưa được sờ tới đồng đô la vậy mà tôi được phân công làm phụ trách ngành tài chính y tế.
Đã có một thời kỳ, ngành y tế giải tán trường quản lý y tế. Trường quản lý y tế ngày xưa ở cạnh Bộ Y tế ở Giảng Võ. Sau đó, giải tán trường quản lý Y tế thành lập trường ĐH Y tế công cộng. Gần đây, tôi được biết, có thành lập lại khoa quản lý y tế nhưng không mạnh và chú trọng đào tạo cán bộ quản lý y tế.
Trong y tế có những người có khướu làm quản lý nhưng có người có khướu làm chuyên môn. Để anh Nguyễn Quang Tuấn (GS- Nguyên Quang Tuấn – Nguyên Giám đốc BV Tim Hà Nội, nguyên Giám đốc BV Bạch Mai Hà Nội) làm chuyên môn có phải hay biết mấy. Anh ấy sẽ cứu được bao nhiêu bệnh nhân mạch vành. Để anh Tuấn làm giám đốc lại bắt anh ấy đấu thầu và bây giờ vào tù.
Vậy, dưới góc độ chính sách, theo ông chúng ta cần làm gì để giải quyết việc này?
Theo tôi, ngành y tế cần chú trọng đào tạo cán bộ quản lý và dừng ngay việc lấy cán bộ chuyên môn giỏi ra làm cán bộ quản lý. Tại sao cứ phải giáo sư mới lên Bộ trưởng, Thứ trưởng? Trong một bệnh viện sẽ cần hai ông giám đốc. Một ông giám đốc quản lý là nhà đào tạo quản lý thậm chí là kinh doanh nhưng một ông giám đốc chuyên môn, phụ trách về chuyên môn. Tuy nhiên tại Việt Nam ta đang nhập hai vấn đề này với nhau nên dẫn tới sai lầm.
Ở trên Thế giới, rất ít nước Bộ trưởng Bộ Y tế là bác sĩ, giáo sư mà là chính khách.
Có 3 lý do vì sao không nên lấy giáo sư làm Bộ trưởng mà nên đào tạo chính khách.
Lý do thứ nhất: Khi lấy giáo sư làm Bộ trưởng thì ngành của ông giáo sư đó sẽ được ưu tiên. Ví dụ: Nếu tôi được làm Bộ trưởng Bộ Y tế thì chắn chắn ghép thận sẽ được ưu tiên số 1. Ai cũng nịnh bợ ông Bộ trưởng bằng cách phát triển ghép thận
Lý do thứ 2: Dù tôi không giỏi nhưng tôi cũng sẽ trở thành chuyên gia đầu ngành của ghép thận.
Thứ 3: Khi tôi thôi không làm Bộ trưởng thì ngành mà tôi làm sẽ tụt rất nhanh chóng bởi chẳng ai quan tâm tới nó nữa.
Bộ trưởng, thứ trưởng là những người làm về chính sách. Người làm Bộ trưởng, thứ trưởng là người hiểu về chính sách chứ không phải người làm chuyên môn ngành đó giỏi. Cho nên, phải phân biệt được công tác quản lý và chuyên môn trong y tế.
Hiện nay, nhất là sau cuộc chiến cam go với dịch covid-19 vừa qua, nước ta, nhiều người trong ngành Y đã bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư để làm việc. Thận chí, có người bỏ hẳn ngành y để làm ngành nghề khác. Vậy giáo sư có bình luận như thế nào về tình trạng này?
Trước hết, cần xác định nguyên nhân của việc này xuất phát bởi chế độ lương thưởng, đãi ngộ chưa tương xứng với người thầy thuốc. Họ phải lao động vất vả, đối mặt với hiểm nguy tính mạng nhưng không nhận được chế độ đãi ngộ xứng đáng.
Khẳng định luôn rằng, hiện tượng bác sĩ bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư hoặc thậm chí bác sĩ bỏ hẳn ngành y sang làm ngành nghề khác là một thiệt hại rất lớn đối với không chỉ ngành y mà còn với cả xã hội nước ta, đối với mỗi người bệnh.
Thiệt hại lớn về mặt kinh tế bởi để đào tạo ra một bác sĩ có thể hành nghề khám, chữa bệnh mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Ngành y luôn có yêu cầu đầu vào cao. Để đào tạo một bác sĩ phải mất 6 năm học đại học. Nhưng học 6 năm chưa thể hành nghề khám chữa bệnh ngay mà sau đó cần phải học khoảng 4 tới 5 năm nữa thì mới có thể hành nghề thành thạo, mới cầm được dao mổ phẫu thuật.
Khi bác sĩ bỏ bệnh viện công và sang bệnh viện tư thì rõ ràng, nhà nước đã bị thiệt hại lớn cả một quá trình công sức đào tạo.
Đáng ngại nhất là một số thầy thuốc bỏ hẳn không làm nghề y nữa mà sang làm lĩnh vực khác thì đó là một thiệt hại lớn đối với xã hội, với người bệnh. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp như dịch covid-19 mới đây khiến quá tải bệnh nhân, thiếu trầm trọng lực lượng y tế, sẽ lấy ai để chữa bệnh cho người dân?
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư đã trả lời phỏng vấn!