Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện “Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới” và 20 năm nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức trưng bày triển lãm “Báu vật Hoàng cung Thăng Long”, nhằm giới thiệu tới công chúng những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất được khai quật tại Hoàng Thành Thăng Long từ năm 2002 cho đến nay.
Không gian trưng bày được chia thành 3 nội dung: Hiện vật thời Lý - Trần; Hiện vật thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng và các hiện vật lần đầu ra mắt công chúng. 29 hiện vật được giới thiệu tại triển lãm là những bằng chứng sinh động, phản ánh lịch sử huy hoàng của Kinh đô Thăng Long hơn một ngàn năm về trước.
Bình rượu gốm hoa nâu, thân tạo hình bông sen thời Lý.
Nắp hộp men xanh lục trang trí nổi hình rồng và văn mây thời Lý.
Thạp gốm hoa nâu có nắp, thân trang trí hoa sen dây thời Trần.
Bát và đĩa hoa lam vẽ rồng, là đồ dùng của nhà vua thời Lê sơ.
Hàng trên: Bát và đĩa hoa lam, vẽ chim phượng, là đồ dùng của vương hậu thời Lê sơ. Hàng dưới: Bát và đĩa men trắng, là đồ dùng trong cung Trường Lạc thời Lê sơ.
Mô hình kiến trúc men xanh lục thời Lê sơ.
Đặc biệt, trong số 29 hiện vật được trưng bày tại triển lãm có chiếc bát sứ trắng mỏng thấu quang, là Bảo vật Quốc gia. Bát trang trí hình rồng và chữ “Quan”, là đồ dùng của nhà vua thời Lê sơ.
Công nghệ trình chiếu mapping 3D cũng được áp dụng tại không gian trưng bày, mô phỏng lại những hoa văn, hoạ tiết độc đáo của các hiện vật, giúp khách tham quan có cái nhìn rõ nét hơn về vẻ đẹp và sự sang quý của những món đồ ngự dụng của nhà vua thời Lê sơ.
Đĩa nhỏ vẽ rồng - hiện vật vô cùng đặc sắc và quý hiếm được tìm thấy tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, được công nghệ mapping 3D hỗ trợ tái hiện lại những phác hoạ hình rồng và văn mây tinh tế. Đây là đồ gốm cao cấp dành cho nhà vua do lò quan Thăng Long chế tác vào thời Lê sơ.
Chiếc bát thời Lê sơ, có miệng tạo cánh sen, giữa lòng vẽ khung cảnh không gian trong chốn Hoàng cung Thăng Long xưa, được sử dụng công nghệ mapping 3D tại triển lãm.
Bên cạnh đó, trưng bày cũng giới thiệu một số loại hình di vật kim loại quý như đồ trang sức, mảnh vàng trang trí trên đồ dùng,...
Nhẫn bạc, vòng đeo tay và trâm cài tóc bằng đồng thời Lê sơ.
Những vật dụng bằng vàng thời Trần: mảnh vàng trang trí hình rồng và văn mây, cúc áo đúc nổi hình rồng và cánh sen, cán dao bọc vàng...
Thanh kiếm cẩn tam khí hình nhân vật và hoa lá thời Trần.
Thông điệp lịch sử và giá trị văn hoá của các loại hình di vật được trưng bày tại triển lãm “Báu vật Hoàng cung” đã phần nào cung cấp cho công chúng những cái nhìn trực quan hơn về các vật dụng, về sự đa dạng văn hoá và đời sống riêng biệt trong Hoàng cung Thăng Long xưa.