iOS 16 được Apple giới thiệu tại Hội nghị dành cho các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) hồi tháng 6. Hệ điều hành sẽ được phát hành chính thức cùng iPhone 14 ngày 12/9. Hệ điều hành mới có nhiều nâng cấp với các tính năng mới như Live Caption, màn hình khóa dạng widget... iOS 16 chỉ hỗ trợ từ iPhone 8 trở đi.
Tính năng Phụ đề
Tính năng Live Captions trên iOS 16 cho phép dịch trực tiếp cuộc trò chuyện, âm thanh và video theo thời gian thực. Phụ đề xuất hiện ở phía trên cùng màn hình khi âm thanh đang phát trong thời gian thực và người dùng cũng có thể tùy chỉnh kích thước phông chữ của phụ đề cho phù hợp với nhu cầu.
Tính năng này đã có trên Android năm 2019 và đang hỗ trợ nhiều ngôn ngữ. Tuy mức độ chính xác không cao, tính năng hữu ích cho người khiếm thính, hoặc cần phiên dịch nhanh từ ngôn ngữ mình không thông thạo sang tiếng mẹ đẻ.
Màn hình khóa widget
Tính năng mới trên iPhone này lấy cảm hứng từ Apple Watch, cho phép theo dõi các thông tin như thời tiết, mức pin, báo thức, múi giờ... để người dùng cá nhân hóa, thay đổi giao diện theo sở thích. Ngoài ra, Apple cũng bổ sung nhiều hình nền theo chủ đề như thời tiết, thiên văn...
Tính năng này đã xuất hiện từ năm 2012 ở phiên bản Android 4.2. Đến Android 5.0, Google gần như loại bỏ tính năng này. Người dùng Android hiện có thể trải nghiệm qua giao diện OneUI của Samsung.
Phản hồi rung trên bàn phím
Trước đây, các mẫu iPhone thường không có phản hồi rung trên bàn phím. Với iOS 16, Apple đã thêm tính năng phản hồi xúc xác cho bàn phím ảo. Khi chạm vào bàn phím, máy sẽ rung nhẹ để thông báo việc nhập ký tự thành công.
Trên Android, tính năng này đã có mặc định từ lâu, trong khi người dùng iPhone sẽ phải kích hoạt trước khi sử dụng.
Chia sẻ thư viện ảnh
Tính năng Thư viện ảnh chung cho phép chia sẻ ảnh tới các tài khoản iCloud cùng thuộc nhóm gia đình, bạn bè lên đến 6 người. Người dùng có thể tự động gửi ảnh từ thiết bị lên, thêm hoặc xóa ảnh... và chúng sẽ tự động xuất hiện trong mục Kỷ niệm hoặc Ảnh nổi bật của mỗi người dùng trong nhóm có quyền truy cập.
Tính năng chia sẻ ảnh đã có từ lâu trên Google Photos. Ngoài ra, Google Photos cũng cho phép thêm ảnh vào từng album riêng thông qua nhận diện khuôn mặt cũng như địa điểm của từng tấm ảnh.
Màn hình Always-on Display
Cơ chế màn hình luôn hiển thị Always-on Display mới xuất hiện trên hai mẫu iPhone cao cấp nhất là 14 Pro và Pro Max. Trong khi đó, người dùng Android đã có thể trải nghiệm điều này từ 2012. Tuy nhiên trên iPhone, các biểu tượng có giao diện trực quan và có thể tương tác, đồng thời hình nền trên màn hình chính được giữ lại, thay vì phải đặt riêng hình nền cho màn hình chính và màn hình khóa như Android.
Camera độ phân giải cao và tính năng pixel binning
Apple lần đầu trang bị camera lên tới 48 megapixel cho hai mẫu iPhone Pro và sử dụng thuật toán ghép bốn điểm ảnh lại thành một để tạo thành một ảnh 12 megapixel. Việc này giúp ảnh chụp thiếu sáng tốt hơn cũng như nhiều chi tiết hơn.
Các hãng smartphone Android như Samsung, Oppo, Xiaomi, Huawei... đã trang bị cảm biến độ phân giải cao cùng thuật toán gộp điểm ảnh từ rất lâu. Thậm chí năm 2012, Nokia 808 PureView là smartphone đầu tiên sử dụng công nghệ này.
Ứng dụng Phone Fitness
Trước đây người dùng iPhone nếu không có Apple Watch sẽ không thể sử dụng ứng dụng Apple Fitness Plus. Trên iOS 16, người dùng có thể sử dụng ứng dụng này để ước tính các thông số cơ bản như số bước đi, lượng calo tiêu thụ...
Còn với các smartphone Android, ứng dụng Google Fit được cài đặt sẵn và cho phép người dùng sử dụng để do các thông số cơ bản trừ nhịp tim, SpO2... kể cả khi người dùng không có smartwatch.