Nhóm nhà khoa học dữ liệu tại công ty phân tích Dun & Bradstreet (DNB) và nhà nghiên cứu Alex De Vries tại Đại học VU Amsterdam đã tìm hiểu tác động của Bitcoin đối với an ninh nguồn nước trên thế giới. Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Cell Reports Sustainability và chủ yếu thực hiện tại các bang ở Mỹ từ đầu 2020 đến tháng 3 năm nay, nêu bật mối lo ngại rằng hoạt động liên quan tới Bitcoin có thể khiến nhiều khu vực toàn cầu đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt nếu tiền số này được sử dụng rộng rãi hơn trong tương lai.
Cụ thể, quy trình tính toán đằng sau các hệ thống khai thác Bitcoin ở Mỹ sử dụng lượng nước trong năm 2022 là 2.237 tỷ lít. Trong khi đó, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, lượng nước toàn bộ người dân và doanh nghiệp tại thành phố New York tiêu thụ trong cùng năm là 1.525 tỷ lít. Với trung bình 113 triệu giao dịch Bitcoin trong giai đoạn này, mỗi giao dịch ở Mỹ tốn hơn 16.000 lít nước - lượng nước có thể lấp đầy một bể bơi cỡ nhỏ.
Khai thác Bitcoin ngốn nhiều năng lượng trong quá trình xác thực trên mạng blockchain. Việc khai thác được ví như trò chơi đoán số, trong đó người đầu tiên đoán đúng sẽ chiến thắng, nhận phần thưởng Bitcoin và tạo block tiếp theo trong blockchain. Cách duy nhất để giành phần thắng này là thông qua quá trình tính toán thử - sai, với toàn bộ mạng Bitcoin tạo ra khoảng 350 triệu tỷ lần đoán mỗi giây trong ngày, tính đến tháng 5.
Dù vậy, thực tế mỗi mạng blockchain cần 10 phút để tạo một khối mới. Phần mềm Bitcoin hiện có cơ chế điều chỉnh độ khó khai thác, giúp giữ tỷ lệ phát hành ổn định. Mỗi khối mới được tạo sẽ trả phần thưởng là 6,25 Bitcoin, chia cho các hệ thống khai thác trên toàn cầu.
Do chỉ người chiến thắng trong "trò chơi" mới nhận được phần thưởng, quá trình này có tính cạnh tranh cao, buộc các công ty đầu tư phải "trâu cày" hiện đại với số lượng lớn. Đến nay, mạng khai thác Bitcoin chủ yếu gồm hàng triệu thiết bị chuyên dụng được đặt tại Mỹ và Kazakhstan - nơi có tỷ lệ nhận phần thưởng cao hơn do đặt nhiều máy đào hơn.
Ngoài điện, hệ thống đào Bitcoin cần nguồn nước theo hai cách chính: sử dụng trực tiếp để phục vụ hệ thống làm mát và làm ẩm không khí cho "trâu cày"; và gián tiếp qua việc tạo năng lượng phục vụ máy đào, chẳng hạn thủy điện.
Tuy nhiên, khối lượng nước lớn cho các hoạt động Bitcoin đang khiến giới chuyên gia lo ngại về tình trạng thiếu nước ngọt, đặc biệt là ở các khu vực có nguy cơ hạn hán. "Chúng tôi đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nước trên toàn thế giới, vì vậy việc dùng nước ngọt cho mục đích khác không được hoan nghênh", Kaveh Madani, Giám đốc Nhóm chuyên gia cố vấn về nước của Liên Hợp Quốc, nói với WSJ.
Trích dẫn nghiên cứu vào tháng 10 của Liên Hợp Quốc về các tác động tới môi trường khi khai thác Bitcoin, Madani cho biết năm 2021, hoạt động này đã tạo ra hơn 965 tỷ lít nước thải toàn cầu.
Loạt số liệu trên tiếp tục khiến các chuyên gia lo ngại về tác động xấu của hoạt động khai thác Bitcoin đến môi trường. Cùng với việc sử dụng điện từ nhiên liệu hóa thạch, ngành công nghiệp này tạo ra lượng khí thải carbon lớn. Báo cáo của CoinShares năm 2022 cho thấy riêng việc khai thác trên mạng Bitcoin đã chiếm 0,08% tổng carbon dioxide của thế giới.
(theo Tom's Hardware, WSJ)