Ánh điện về thay bếp lửa đêm
Khi mặt trời khuất sau những ngọn núi, cả buôn làng tĩnh mịch. Sự heo hút như cắm sâu vào buôn B'Run, thôn nhỏ của người Mạ ngay góc Vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Ánh sáng le lói từ những ngọn đèn dầu, bếp củi không đủ để xua tan màn đêm dày đặc, càng không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân.
Già làng Điểu K'Ít, người cao tuổi nhất buôn B'Run nhớ lại những ngày chưa xa. Trước năm 2006, người buôn B'Run sống trong vùng lõi Vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Khi ấy, ban ngày người B'Run trông ông mặt trời, ban đêm trông vào ông trăng. Ánh sáng duy nhất là bếp lửa leo lét. Năm 2006, theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, người Mạ ra khỏi rừng, về định cư ngay buôn B'run, nơi xã Gia Viễn xinh đẹp. Và, điều người Mạ B'run chưa bao giờ thấy, ấy là ánh điện sáng bừng bản vào những ngày mùa khô năm 2008. Lần đầu tiên, người buôn B'Run biết cái bóng đèn sáng như thế nào. Những ngày chưa xa ấy lại như chuyện rất xa với thanh niên B'run bây giờ, khi người B'run nấu cơm bằng nồi cơm điện, tưới sầu riêng bằng điện và bếp lửa chỉ còn bập bùng vào những đêm lửa trại.

Kéo điện tới tận từng thôn, buôn tại Lâm Đồng không chỉ đơn thuần là một dự án cung cấp điện, mà còn là một hành trình đầy ý nghĩa
ẢNH: EVNSPC
Chị Liêng Hát Uyên, một người phụ nữ dân tộc K'Ho ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương nhớ lại những ngày tháng sống trong cảnh không điện: "Tối đến là cả nhà quây quần bên bếp lửa, vừa sưởi ấm vừa trò chuyện. Muốn thắp sáng thì chỉ có đèn dầu, khói mù mịt, cay xè mắt. Bọn trẻ muốn học bài cũng phải tranh thủ lúc trời còn sáng hoặc dưới ánh đèn dầu tù mù, chữ nghĩa cứ nhòe nhoẹt hết cả. Rồi đến những sinh hoạt đời thường cũng khó khăn. Cơm phải nấu bằng củi, bằng than; mọi thông tin liên lạc thì mù mờ, chẳng biết thông tin gì về thế giới ngoài kia".
Rồi một ngày, những cột điện sừng sững được trồng cao ngút trên những triền đồi, những đường dây điện căng mình nối liền các buôn làng, cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa ở Lâm Đồng đã thực sự bước sang một trang mới. Ánh điện không chỉ xua tan bóng tối mà còn thắp sáng niềm tin và hy vọng về một tương lai tươi đẹp hơn.
Trong những ngôi nhà sàn truyền thống, ánh điện đã thay thế cho những ngọn đèn dầu leo lét. Bọn trẻ không còn phải học bài dưới ánh đèn vàng vọt mà có thể thoải mái đọc sách, làm bài tập dưới ánh điện sáng trưng. Tiếng cười nói rộn rã hơn khi cả gia đình cùng nhau xem ti vi, cập nhật thông tin, giải trí sau một ngày lao động.
Viết tiếp câu chuyện về điện trên những cung đường xa xôi
Ông Nguyễn Văn Dũng, nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng nhớ lại, việc thực hiện đưa điện về thôn, buôn với ngành điện Lâm Đồng là nhiệm vụ phải nói là rất thách thức: "Tỉnh Lâm Đồng với địa thế toàn đồi núi, dân cư sống thưa thớt, có nhiều thôn chưa tới 100 hộ dân, nằm cách ủy ban xã gần 20 km. Nhưng vì nhiệm vụ được giao, vì cuộc sống của bà con, ngành điện Lâm Đồng đã căng hết sức ra để kéo điện về từng thôn, đảm bảo bà con được sử dụng điện lưới quốc gia".
Trong các chương trình, dự án có tính chất điện khí hóa nông thôn, dự án "Điện khí hóa Tây nguyên" từ nguồn vốn trung ương theo Quyết định 594/QĐ-EVN-HĐQT ngày 19.7.2007 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam có dấu ấn đậm nhất với Lâm Đồng.
Từ tháng 7.2007 - 1.2010, dự án điện Tây Nguyên của Lâm Đồng với tổng vốn 210 tỉ đồng đã cơ bản được hoàn thành, cung cấp điện ổn định cho hơn 19.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở 475 thôn, buôn thuộc 116 xã của 12 huyện, thị, thành của tỉnh. Nhờ đó, tỷ lệ hộ dân ở nông thôn có điện sử dụng của tỉnh Lâm Đồng đã được nâng lên 95%.

Lãnh đạo EVNSPC, UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện nghi thức khánh thành dự án Điện Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (tháng 1.2010)
ẢNH: TGCC
Tiếp đến, từ nguồn vốn tiết kiệm được của dự án điện Tây nguyên, Công ty Điện lực Lâm Đồng tiếp tục bổ sung đầu tư hàng chục km đường dây trung áp, hạ áp và trạm biến áp để cấp điện bổ sung cho 2.090 hộ dân nông thôn. Đến tháng 6.2012, số hộ sử dụng điện của Lâm Đồng tăng lên 97%.
Và rồi, với dự án điện nông thôn miền núi - hải đảo, những thôn, buôn cuối cùng của địa phương chưa có điện tiếp tục được tiếp cận nguồn sáng. R' Hang Trụ của Tân Thanh, huyện Lâm Hà; Nao Quang của xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, thôn 4 của xã Gia Viễn, huyện Đạ Huoai… đều có điện kéo về. Đến nay, trên 99% dân cư Lâm Đồng đã được sử dụng điện lưới quốc gia.
Có điện, những vùng nông thôn như khoác trên mình chiếc áo mới. Những vườn rau được gắn thiết bị tưới tự động để giải phóng sức người, nhiều loại máy móc chế biến nông sản như máy xay xát, máy tuốt lúa… giúp giảm bớt sức lao động, tiết kiệm thời gian và nâng cao giá trị sản phẩm rất nhiều. Tại các vùng sâu, vùng xa, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư vào các mô hình kinh doanh nhỏ như cửa hàng tạp hóa, xưởng mộc, cơ sở chế biến nông sản… tạo thêm công ăn việc làm và nâng cao thu nhập.
Có điện, đời sống tinh thần, cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức khoa học kỹ thuật cũng cao hơn. Dân trí buôn làng cải thiện rõ rệt, bên cạnh đó, việc khám chữa bệnh cho người dân tại các trạm y tế xã hiệu quả hơn hẳn nhờ có thêm các trang bị các thiết bị y tế hiện đại.
Kéo điện tới tận từng thôn, buôn tại Lâm Đồng không chỉ đơn thuần là một dự án cung cấp điện, mà còn là một hành trình đầy ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Ánh điện đã mang đến sự đổi thay kỳ diệu cho những vùng đất khó khăn, thắp sáng niềm tin và mở ra những cơ hội phát triển bền vững cho tương lai. Những người thợ điện vẫn miệt mài trên những cung đường, tiếp tục mang ánh sáng đến những vùng quê còn khó khăn, viết tiếp câu chuyện về sự đồng hành giữa ngành điện và người dân Nam Tây nguyên.
Cuộc thi viết "50 năm thắp sáng niềm tin" có tổng giải thưởng lên đến 100 triệu đồng.
- Nhận bài thi đến hết ngày 30.4.2025.
- Email: [email protected]. Mời quý bạn đọc xem thể lệ cuộc thi trên thanhnien.vn/evnspc.vn.