Chứng khoán

KBSV: Siêu dự án Lô B 12 tỷ USD sẽ tác động tích cực lên nhóm dầu khí ngay từ 2024

Ảnh minh họa Dự án Lô B - Ô - Môn. (Nguồn: PVN).

Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn có quy mô rất lớn, bao gồm nhiều dự án thành phần (dự án phát triển thượng nguồn, dự án đường ống và các dự án nhà máy điện ở hạ nguồn) với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư.

Theo báo cáo ngành dầu khí mới đây của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), trong quý I, dự án Lô B - Ô Môn đã đạt được một số bước tiến khi nhà đầu tư MOECO đã đưa ra FID và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam, PVN) cũng đã ký kết được các thỏa thuận nền tảng bao gồm: GSPA (thỏa thuận mua bán khí giữa thượng nguồn và trung nguồn); GTA (thỏa thuận vận chuyển khí); GSA (thỏa thuận bán khí) cho riêng nhà máy Ô Môn 1.

Các hợp đồng vẫn còn vướng mắc khiến FID cho dự án đến chậm hơn so với kỳ vọng bao gồm: GSA cho Ô Môn 2,3,4 và PPA (hợp đồng mua bán điện) cho 4 nhà máy Ô Môn 1, 2, 3, 4. Trong đó, hợp đồng PPA là khó giải quyết nhất do giá khí mỏ Lô B quá cao, khiến giá điện quy đổi lên tới 2.500 – 3.000 đồng/kWh.

Vào tháng 4, Bộ Công Thương đã đưa ra Dự thảo đề xuất cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện cho các dự án trọng điểm gồm LNG Thị Vải, Lô B - Ô Môn và Cá Voi Xanh.

Nhóm phân tích cho rằng cơ chế này nếu được thông qua sẽ giải quyết được vướng mắc mấu chốt cho dự án, giúp mở đường cho việc ký kết FID chính thức trong nửa cuối 2024. Trong kịch bản tiêu cực nếu FID vẫn bị chậm trễ, PVN sẽ có quyền được đàm phán một thỏa thuận phụ trong đó sẽ cho phép PVN được triển khai tiếp dự án và có cơ chế hoàn trả lại PVN phần chi phí đã bỏ ra.

Do đó, KBSV vẫn duy trì quan điểm rằng dự án Lô B - Ô Môn sẽ có tác động tích cực lên nhóm thượng nguồn dầu khí ngay từ năm 2024.

Dự án Lô B - Ô Môn có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD, trong đó lượng công việc cho nhóm thượng nguồn chiếm khoảng 7 tỷ USD, trung nguồn chiếm 1,3 tỷ USD và nhóm hạ nguồn (các nhà máy nhiệt điện) chiếm khoảng 3,7 tỷ USD.

KBSV kỳ vọng các doanh nghiệp thượng nguồn gồm PTSC (PVS), PV Drilling (PVD) và PV Coating (PVB) sẽ có thể ghi nhận khối lượng công việc sớm nhất, ngay từ giai đoạn 2024-2025, với các gói thầu EPCI, dịch vụ giếng khoan và bọc ống.

 

Triển vọng đối với PVD đến từ cung cầu giàn khoan toàn cầu thuận lợi giúp hỗ trợ giá cước cho thuê, iàn khoan mới kỳ vọng đi vào hoạt động từ quý I/2025 và thị trường E&P nội địa kỳ vọng sôi động từ 2024 giúp mảng dịch vụ kỹ thuật giếng tăng trưởng mạnh.

PVS sẽ là cổ phiếu hưởng lợi từ tăng trưởng mảng M&C nhờ các dự án lớn trong giai đoạn 2024 - 2028, tiềm năng trúng các gói thầu FSO/FPSO cho các dự án nội địa sắp tới và tiềm năng ghi nhận thêm backlog và cải thiện biên lợi nhuận gộp cho các dự án điện gió ngoài khơi. KBSV kỳ vọng các chỉ số định giá của PVD và PVS sẽ được đánh giá lại do ngành dầu khí thế giới và tại Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới sau giai đoạn 10 năm trầm lắng.

Với nhóm trung nguồn với cổ phiếu tiêu biểu là PVT của PV Trans sẽ có động lực tăng trưởng từ kế hoạch mở rộng đội tàu tới năm 2025, mảng tàu dầu thô quốc tế có thể bù đắp sự suy giảm sản lượng nội địa do nhà máy lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng, mảng tàu hóa chất/thành phẩm hưởng lợi từ căng thẳng tại kênh đào Suez. Nhóm phân tích đánh giá triển vọng kết quả kinh doanh của PV Trans khả quan cho 2024.

Kết quả kinh doanh của nhóm hạ nguồn nhìn chung chưa cải thiện trong năm 2024. PV Gas bị ảnh hưởng bởi triển vọng tiêu thụ khí khô tiêu cực trong khi nguồn thu từ dự án LNG là chưa đáng kể trong năm 2024. Điểm sáng trong triển vọng đầu tư đối với PV Gas nằm ở mức tỷ suất cổ tức cao đột biến 7,4%, nhưng nhóm phân tích không kỳ vọng mức cổ tức này có thể duy trì trong dài hạn.

Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) bị tác động tiêu cực bởi kỳ bảo dưỡng lớn nhà máy lọc dầu Dung Quất khiến sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 12% so với cùng kỳ và biên lọc dầu các sản phẩm chủ lực suy giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc nhà máy Dung Quất có thể nâng công suất tối đa lên mức 114% công suất thiết kế sau kỳ bảo dưỡng và mức nền kết quả kinh doanh thấp trong năm 2024 hứa hẹn có thể tạo ra tăng trưởng lớn cho Lọc hóa dầu Bình Sơn từ quý I/2025.

 

Thông tin từ PVN, ngày 3/7, đoàn công tác của lãnh đạo Tập đoàn đã có buổi làm việc với Ban quản lý dự án (QLDA) Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1 (SH1PP), Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm; tiến độ triển khai phần trung và hạ nguồn của chuỗi dự án Khí - Điện Lô B.

Ông Nguyễn Mạnh Tưởng, Trưởng Ban QLDA Sông Hậu 1, báo cáo về công tác thanh quyết toán, Ban QLDA đã thực hiện quyết toán A-B đối với Dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1 đạt trên 80% số hợp đồng với khối lượng công việc đạt đến 90%. Về dự án Khu nhà ở xã hội dành cho cán bộ công nhân viện vận hành NMNĐ Sông Hậu 1, Ban QLDA đang thực hiện các thủ tục theo quy định và dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào quý IV/2024.

Về dự án Ô Môn IV, dự kiến PVN phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu trong tháng 8/2024 và sẽ khởi công tháng 8/2025 để đảm bảo tiến độ COD dự án NMNĐ Ô Môn IV vào tháng 6/2028.

Đối với dự án Ô Môn III, hiện Ban QLDA đang tổ chức lựa chọn nhà thầu Tư vấn lập FS, thẩm tra FS Dự án NMNĐ Ô Môn III. Theo kế hoạch, ký hợp đồng trong tháng 8/2024, hoàn thành công tác trình, thẩm định, phê duyệt FS vào tháng 8/2025 theo tiến độ đã báo cáo Tập đoàn. Dự kiến, PVN phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu vào tháng 10/2025, HSMT tháng 10/2026, bắt đầu thực hiện hợp đồng EPC trong tháng 3/2028 và COD tháng 11/2030.

Đồng thời, Ban QLDA đã cử nhân sự tham gia cùng Tổ đàm phán PPA của Tập đoàn rà soát phương án đàm phán PPA, mục tiêu hoàn thành ký kết PPA cũng như GSA, thu xếp vốn ECAs trước khi khởi công EPC nhà máy chính vào tháng 8/2025.

Lãnh đạo PVN đề nghị Ban QLDA tập trung cho công tác quyết toán dự án NMNĐ Sông Hậu 1, thời hạn hoàn thành trong năm 2024.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm