Trong 19 năm qua, Chỉ số hộ chiếu Henley được tạo ra bởi công ty tư vấn quyền công dân và cư trú toàn cầu Henley & Partners có trụ sở tại London - Vương quốc Anh đã theo dõi các quyền tự do toàn cầu ở 227 quốc gia và vùng lãnh thổ, sử dụng dữ liệu độc quyền từ Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA).
Vừa qua, hộ chiếu Singapore đã được vinh danh là hộ chiếu du lịch quyền lực nhất thế giới trong bảng xếp hạng của Chỉ số hộ chiếu Henley, cho phép công dân nước này đến 195 điểm đến trên toàn thế giới mà không cần visa .
Xếp ngay sau Singapore là Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Công dân của các quốc gia này có thể đi du lịch 192 quốc gia mà không cần visa.
Vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng là Hàn Quốc, Thụy Điển, Phần Lan, Áo, Ireland, Luxembourg và Hà Lan với 191 điểm đến.
Vương quốc Anh từng đứng đầu bảng xếp hạng cùng Mỹ vào năm 2014, hiện đang ở vị trí thứ 4 với 190 điểm đến, cùng với New Zealand, Na Uy, Bỉ, Đan Mạch và Thụy Sĩ.
Australia và Bồ Đào Nha xếp hạng vị trí thứ 5 với 189 điểm đến, trong khi đó Mỹ đã tụt xuống vị trí thứ 8 với 186 điểm đến.
Trái ngược với con số kỷ lục 195 điểm đến của Singapore, công dân ở các quốc gia như Afghanistan chỉ có thể đến 26 quốc gia không cần visa, đây là con số thấp nhất được ghi nhận trong lịch sử gần 2 thập kỷ của chỉ số này.
Christian Kaelin - Chủ tịch của Henley & Partners - cho biết: "Số lượng trung bình các điểm đến trên toàn cầu mà du khách có thể đến mà không cần visa đã gần như tăng gấp đôi từ 58 điểm đến vào năm 2006 lên 111 vào năm 2024. "
Theo ước tính của IATA, gần 5 tỷ người sẽ đi máy bay trong năm nay với 39 triệu chuyến bay. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của IATA Willie Walsh cho biết chi phí thực của du lịch hàng không đã giảm hơn 1/3 trong thời gian đó, với lợi nhuận của các hãng hàng không hiện nay trung bình chỉ hơn 6 USD (khoảng 150.000 đồng)/hành khách.
Người giàu nhất châu Phi - Aliko Dangote (sinh ra ở Nigeria) - đã phàn nàn tại Diễn đàn CEO châu Phi gần đây ở Kigali rằng ông cần 35 visa để đi du lịch quanh lục địa - nhiều hơn rất nhiều so với một du khách châu Âu.
Nghiên cứu mới độc quyền được công bố trong báo cáo của Henley & Partners vào ngày 23/7 cho thấy khoảng 30% số ứng viên xin visa Schengen châu Phi bị từ chối, so với khoảng 10% trên toàn thế giới.
Mehari Taddele Maru - Giáo sư giảng dạy tại Trường Quản trị xuyên quốc gia tại Viện Đại học châu Âu - cho biết: "Hệ thống visa châu Âu rõ ràng thể hiện sự thiên vị được xác định trước đối với những ứng viên nộp đơn xin visa châu Phi, họ phải đối mặt với 3 mặt khó khăn là quyền hạn hộ chiếu thấp hơn, tỷ lệ từ chối visa cao hơn và khả năng linh động kinh tế hạn chế."
Danh sách của Henley & Partners là một trong số các chỉ số do các công ty tài chính tạo ra để xếp hạng các hộ chiếu toàn cầu theo quyền truy cập mà họ cung cấp cho công dân của mình.
Chỉ số hộ chiếu của Arton Capital xem xét các hộ chiếu của 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và 6 vùng lãnh thổ.
Chỉ số quyền lực hộ chiếu toàn cầu năm 2024 của Arton Capital đưa các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ở vị trí thứ nhất với 179 điểm đến không cần visa. Tây Ban Nha đứng ở vị trí thứ 2 với 178 điểm đến. Trong khi đó, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Luxembourg, Áo và Thụy Sĩ cùng đứng ở vị trí thứ 3 với 177 điểm đến.
Những hộ chiếu quyền lực nhất năm 2024
- Singapore (195 điểm đến)
- Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Tây Ban Nha (192 điểm đến)
- Áo, Phần Lan, Ireland, Luxembourg, Hà Lan, Hàn Quốc, Thụy Điển (191 điểm đến)
- Bỉ, Đan Mạch, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh (190 điểm đến)
- Australia, Bồ Đào Nha (189 điểm đến)
- Hy Lạp, Ba Lan (188 điểm đến)
- Canada, Czechia, Hungary, Malta (187 điểm đến)
- Hoa Kỳ (186 điểm đến)
- Estonia, Lithuania, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (185 điểm đến)
- Iceland, Latvia, Slovakia, Slovenia (184 điểm đến)
Theo CNN