Tài chính

KBSV: Quý IV/2022 sẽ là giai đoạn căng thẳng nhất về diễn biến tỷ giá trong nước

Theo báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết diễn biến mạnh lên của đồng USD là yếu tố chính gây áp lực lên tỷ giá.

Tỷ giá USD/VND dự báo sẽ tăng lên khoảng 5,5 - 6% trong năm 2022, khi nguồn cung ngoại tệ năm 2022 được dự báo tương đương mức đạt được trong năm 2021; hoạt động xuất khẩu bắt đầu chịu nhiều áp lực hơn vào cuối năm và kỳ vọng dòng vốn FDI và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam. 

Riêng quý IV/2022, chuyên gia đánh giá sẽ là giai đoạn căng thẳng nhất về diễn biến tỷ giá trong nước khi DXY nhiều khả năng tiếp tục tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong bối cảnh lạm phát toàn cầu duy trì ở mức quá cao so với mục tiêu của các ngân hàng trung ương.

Hơn nữa, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tại thời điểm cuối tháng 9 đã thấp hơn mức 12 tuần nhập khẩu nên dư địa để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tiếp tục can thiệp tỷ giá thông qua bán USD từ dự trự ngoại hối sẽ hẹp dần.

 

Ngoài ra, NEER và REER tăng quá cao có thể tác động tiêu cực tới xuất khẩu khi rổ tiền tệ các đối tác thương mại tiếp tục rớt mạnh, và FDI đăng kí mới chưa phục hồi hoàn toàn, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền FDI thực hiện trong tương lai. 

Trong ngắn hạn, KBSV cho rằng NHNN sẽ tiếp tục sử dụng đồng thời hai công cụ là dự trữ ngoại hối và kết hợp phát hành tín phiếu và mua kỳ hạn trên hoạt động thị trường mở để ổn định tỷ giá, điều tiết và hỗ trợ thanh khoản hệ thống trước những cú sốc bên ngoài (lạm phát neo cao khiến các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục nâng lãi suất, thu hẹp không gian chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ, đặc biệt là Fed).

Tuy nhiên, tính tới cuối tháng 9 quỹ dự trữ ngoại hối chỉ còn 86 tỷ USD tương đương 11 tuần nhập khẩu, nên dư địa để NHNN can thiệp bằng việc bán USD thông qua dự trữ ngoại hối sẽ hẹp dần (theo IMF quỹ dự trữ ngoại hối tối thiểu cần duy trì 8 – 12 tuần nhập khẩu). 

Tỷ giá liên ngân hàng và chợ đen tăng mạnh vào cuối tháng 9

Tại thời điểm cuối tháng 9, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng lên 23.861, tăng 3,9% so với đầu năm, trong bối cảnh diễn biến thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, nhu cầu đồng USD tăng cao khi được coi là đồng tiền trú ẩn. Tỷ giá chợ đen tăng mạnh cũng tại thời điểm này, tăng 2,1% so với đầu năm lên 24.200.

NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, bình ổn tỷ giá thông qua bán ngoại tệ để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường. Theo ước tính của KBSV, NHNN đã bán ra khoảng 22 – 23 tỷ USD qua phương thức kỳ hạn 3 tháng không hủy ngang và bán giao ngay.

Đồng thời NHNN cũng điều chỉnh tăng tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch tổng 4 lần kể từ đầu năm. Cụ thể, tổng cộng các mức tăng thêm là 905 VND, tương đương tăng 3,9% so với đầu năm, mục tiêu là tìm điểm cân bằng mới trước áp lực nhu cầu sở hữu USD lớn trong hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất liên ngân hàng của VND trong nước và USD quốc tế đã từng có lúc giảm sâu về mức âm, có lúc chênh lệch âm tới 1,2% ở kì hạn qua đêm, đã gây thêm áp lực lên tỷ giá USD/VND khi nhu cầu mua USD tiếp tục tăng lên. Theo đó, từ cuối quý II, NHNN đã kết hợp sử dụng đồng thời kênh tín phiếu và kênh OMO để điều tiết và hỗ trợ thanh khoản hệ thống.  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm