Nhận định trong báo cáo mới công bố, các nhà phân tích của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng bối cảnh vĩ mô hiện tại của thị trường có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn 2015 - 2016.
Cụ thể, P/E forward 2022 của VN-Index hiện chỉ cao hơn 3 giai đoạn trong quá khứ (giai đoạn 2012, cuối 2015 - đầu 2016 và đầu 2020), và điểm chung của cả 4 giai đoạn (bao gồm giai đoạn hiện tại) là đà sụt giảm của thị trường đều đến từ các rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong đó, nhóm phân tích đánh giá mức độ tương đồng cao nhất của bối cảnh vĩ mô hiện tại là với giai đoạn cuối 2015, đầu 2016 (thời điểm thị trường tài chính toàn cầu lo ngại rủi ro kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng, Fed nâng lãi suất lần đầu kể từ khủng hoảng tài chính 2009), trong khi kinh tế trong nước vẫn phát đi những tín hiệu tích cực.
Trong khi đó, giai đoạn 2012 kinh tế trong nước có nhiều bất ổn do hệ luỵ từ khủng hoảng tài chính 2009, giai đoạn đầu 2020 đến từ bùng phát dịch COVID-19 đều có nét đặc trưng riêng.
Xét tương quan P/B trong quá khứ, một số nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ cao đang quay lại vùng định giá thấp. Chứng khoán KB Việt Nam sử dụng so sánh tương quan P/B của các ngành có tính chu kỳ cao (ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép) ở 2 giai đoạn để đánh giá mức độ hấp dẫn của các ngành này trong bối cảnh hiện tại sau nhịp điều chỉnh sâu.
Việc sử dụng so sánh P/E do lợi nhuận các doanh nghiệp thuộc các ngành này thường có xu hướng biến động mạnh ở các giai đoạn vĩ mô bất ổn. Nếu so sánh tương quan P/B hiện tại với mức P/B thấp nhất giai đoạn 2015 - 2016, ngoại trừ nhóm thép thấp hơn 7%; nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản vẫn đang giao dịch với P/B cao hơn lần lượt 23%, 30% và 60%.
Điều này không hàm ý cổ phiếu các ngành này cần giảm thêm 1 mức tương ứng do bối cảnh vĩ mô, và mức độ phản ánh giá trị nội tại doanh nghiệp qua chỉ số P/B ở 2 giai đoạn có sự khác biệt. Tuy nhiên điều này cũng cho thấy định giá các nhóm cổ phiếu này chưa hẳn đã hấp dẫn nếu so với vùng đáy 2015 - 2016, vốn có điểm tương đồng so với giai đoạn hiện tại.