Công nghệ

"iPhone của thời AI" - gây phấn khích nhưng khó thành công

Ra mắt ngày 9/11 với giá bán 699 USD (17 triệu đồng) và sẽ bán ra ngày 16/11, AI Pin là mẫu smartphone có thiết kế hình vuông, có thể đeo, hoạt động độc lập, tích hợp mô hình GPT-4 của OpenAI nhưng không có màn hình, ngoại trừ một số thông tin hiển thị qua máy chiếu cỡ nhỏ. Với khả năng nhận lệnh bằng giọng nói liền mạch và phản hồi nhanh chóng, sản phẩm được kỳ vọng sẽ mang đến luồng gió mới cho thị trường di động hay thậm chí có thể thay thế điện thoại trong tương lai.

Smartphone AI Pin. Ảnh: Humane

Smartphone AI Pin. Ảnh: Humane

"Nó giống như bất kỳ công nghệ mới nào, vừa kỳ diệu vừa vụng về. Tôi phải mất một chút thời gian để làm quen và ra các câu lệnh, nhưng nó là thiết bị đáng để thử", phóng viên công nghệ Erin Griffith của NYTimes bình luận khi trải nghiệm AI Pin. "Sản phẩm mang đến thông tin vào tai nhiều hơn là hiển thị càng nhiều nội dung trước mắt như cách iPhone vẫn làm".

Theo Griffith, trải nghiệm AI Pin ban đầu có cảm giác như dùng trợ lý ảo như Alexa, Google Assistant hay Siri. Tuy nhiên, thiết bị không phải lúc nào cũng sẵn sàng đợi lệnh. Người dùng phải chạm vào để đánh thức thiết bị. Với sự có mặt của GPT-4, mô hình hiện có trên ChatGPT, các câu trả lời cũng mang tính tự nhiên hơn.

Còn theo Investors, sự ra đời của AI Pin có thể "kích hoạt một làn sóng thiết bị AI cho người tiêu dùng". Trước đó, các sản phẩm như kính Meta Ray-Ban cũng đã được tích hợp AI cho các tác vụ nhất định mà không cần dùng đến màn hình. "Ván cược lớn và táo bạo của Thung lũng Silicon với thiết bị hậu smartphone đã bắt đầu", trang này bình luận.

Dù vậy, phần đông ý kiến cho rằng AI Pin khó thành công. Trang Cultofmac đã chỉ ra một loạt nhược điểm trên thiết bị này. Chẳng hạn, việc sử dụng giọng nói để điều khiển thiết bị là một phương pháp tương tác cơ bản khó tiếp cận, chủ yếu dùng trong một số tình huống nhất định. Thứ hai, máy chiếu laser để hiển thị thông tin lên tay hoặc bề mặt không phải khi nào cũng hoạt động, nếu có, độ sáng không ổn định và các dòng chữ nhỏ bị mờ, nhòe và khó đọc.

Một số tính năng trên AI Pin.

Là một trong những người được trải nghiệm AI Pin đầu tiên, phóng viên Jay Peters của The Verge cho rằng thiết bị không mang tính thực tế. "Có lẽ việc xây dựng một sản phẩm hoàn chỉnh từ AI có thể là một ý tưởng tồi", Peters viết. "Bản demo AI Pin cho thấy thiết bị còn rất nhiều lỗi và kể cả khi cải thiện, không nhiều người dùng nó".

Cũng theo Peters, Humane dường như coi AI Pin là sự khởi đầu của một dự án lớn hơn mà Humane, công ty đứng sau AI Pin, đặt ra. "Điều này có thể đúng, nó sẽ trở nên tốt hơn khi các mô hình AI ngày càng hoàn thiện, nhất là trong bối cảnh ngành công nghệ đang nỗ lực làm mới mình với AI. Dù vậy, một sản phẩm mang tính cách mạng sẽ chưa xuất hiện, dù Humane đã sẵn sàng bắt đầu".

Một vấn đề khác liên quan đến quyền riêng tư. Humane khẳng định dữ liệu trên thiết bị được cá nhân hóa. Tuy nhiên, Cultofmac cho rằng với sự có mặt của GPT-4 cùng khả năng kết nối Internet, mọi dữ liệu có thể được sử dụng cho việc huấn luyện lại chính AI này. Ngoài ra, với "tiền sử" đã có trên ChatGPT, thiết bị có thể tạo ra các câu trả lời "bịa đặt nhưng có vẻ hợp lý" mà người dùng không lường trước.

Theo Medium, thực tế mọi người vẫn thích một thiết bị có màn hình. Do đó, việc thuyết phục người dùng chuyển hẳn sang AI Pin là điều không thể xảy ra, trừ những ai muốn "cai nghiện" smartphone. Dù vậy, con số này không nhiều.

"Mọi người vẫn thích điện thoại hiện tại. Họ thích một thiết bị có màn hình. Họ thích có một chiếc smartphone có máy ảnh để có thể chụp những bức ảnh chỉn chu, không phải một chiếc máy có camera chỉ hướng về phía trước một cách vu vơ. Họ thích đọc sách và xem video. Đó đều là những thiếu sót khá đáng kể của AI Pin", Cultofmac bình luận. "Nếu các công ty như Apple cập nhật cho Siri hay Amazon cập nhật cho Alexa các mô hình AI tạo sinh, sản phẩm của Humane có nguy cơ thất bại".

Ngay cả sau nhiều tháng đeo AI Pin cả ngày, những người sáng lập Humane là Imran Chaudhri và Bethany Bongiorno vẫn không thể tách hoàn toàn khỏi màn hình điện thoại của mình. "Chúng tôi đang sử dụng từng thiết bị theo cách khác nhau", Chaudhri nói với NYTimes.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm