Bảng giá đất là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí làm sổ đỏ (dùng để xác định lệ phí trước bạ). Thế nên, việc điều chỉnh quy định liên quan đến bảng giá đất sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí cấp sổ đỏ.
Điều 113 Luật Đất đai 2013 quy định bảng giá đất do các tỉnh quyết định căn cứ vào khung giá đất do Chính phủ ban hành định kỳ 05 năm 01 lần. Trong đó, khung giá đất được hiểu là mức giá thấp nhất hoặc cao nhất với từng loại đất cụ thể.
Dự thảo Luật Đất đai mới nhất đã bãi bỏ khung giá đất, theo đó căn cứ xác định bảng giá đất được quy định cụ thể tại Điều 154.
Cụ thể, Nhà nước sẽ không áp dụng mức giá tối thiểu và tối đa với từng loại đất mà thay vào đó trước khi ban hành bảng giá đất của từng địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào các nguyên tắc, các phương pháp định giá đất, các quy chuẩn và giá đất, sự biến động về giá đất thực tế trên thị trường để xây dựng bảng giá đất.
Dự kiến, ngày 29/11, dự thảo Luật Đất đai được biểu quyết thông qua. Như vậy, có thể từ sau năm 2023, khi bảng giá đất tại mỗi địa phương tăng sẽ kéo theo các chi phí làm sổ đỏ tăng.
Một số khoản phí cấp sổ đỏ
Lệ phí trước bạ: Căn cứ Nghị định 10/2022/NĐ-CP và Thông tư 13/2022/TT-BTC, mức lệ phí trước bạ phải nộp đối với nhà đất khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở là 0,5%.
Lệ phí trước bạ phải nộp = 0,5% x (Giá 1m2 đất trong bảng giá đất x diện tích được cấp sổ)
Giá 1m2 đất để tính lệ phí trước bạ là giá đất tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
Lệ phí cấp sổ đỏ: Lệ phí cấp sổ đỏ do HĐND cấp tỉnh quyết định, do đó mức thu từng tỉnh, thành có thể khác nhau, thông thường từ 100.000 đồng trở xuống/giấy/lần cấp.
Phí thẩm định hồ sơ: Căn cứ quy mô diện tích của thửa đất, tính chất phức tạp của từng loại hồ sơ, mục đích sử dụng đất và điều kiện cụ thể của địa phương để quy định mức thu phí cho từng trường hợp. Theo đó, phí thẩm định hồ sơ cấp sổ đỏ ở mỗi địa phương được quy định khác nhau.