Thời sự

IMF: Việt Nam nằm trong các "điểm sáng kinh tế" thế giới năm tới

 

Theo báo cáo của IMF, Đông Nam Á sẽ là điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu trong năm tới. (Ảnh: Getty Images).

Điểm sáng của thế giới

Tuần trước, trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay, đà phục hồi mạnh mẽ ở châu Á vào đầu năm nay đã chững lại do ba “cơn gió ngược”, gồm lãi suất trên toàn cầu tăng nhanh, chiến sự tại Ukraine kéo dài và hoạt động kinh tế của Trung Quốc đi xuống.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của IMF lưu ý: “Mặc dù vậy, châu Á vẫn là một điểm sáng tương đối trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng chìm vào bóng tối”.

Quỹ này dự đoán tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt 4% trong năm nay và 4,3% vào năm tới. Cả hai ước tính đều nằm dưới mức trung bình 5,5% trong hai thập kỷ qua.

Song, dự báo của IMF cho châu Á vẫn cao hơn cho Mỹ và châu Âu. IMF dự kiến khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2022 và 0,5% vào năm 2023; trong khi Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 1,6% trong năm nay và 1% vào năm sau.

 

Nhìn chung, con đường của châu Á rất khác so với các nền kinh tế phát triển như châu Âu. Bà Taosha Wang - nhà quản lý danh mục của Fidelity, nhận xét châu Á như một ví dụ minh hoạ đối lập cho những khó khăn mà châu Âu đang phải đương đầu.

Nhà quản lý đánh giá thêm: “Châu Á còn nhiều dư địa cho các chính sách thúc đẩy tăng trưởng - trái ngược với nhiều nơi khác trên thế giới, nơi lạm phát đang buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ”.

Cuộc phục hồi mạnh mẽ của Đông Nam Á

Theo IMF, khu vực Đông Nam Á sẽ có một năm 2023 đầy khởi sắc.

Trong đó, Việt Nam đang vươn mình trở thành trung tâm sản xuất khi doanh nghiệp quốc tế đẩy mạnh đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Philippines, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ có thể ghi nhận tăng trưởng GDP trong khoảng 4 - 6%.

IMF cho biết thêm rằng hoạt động du lịch tại Campuchia và Thái Lan cũng sẽ ấm lên.

Cho đến nay, hoạt động xuất khẩu của nhóm ASEAN-6 (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) đã vượt trội hơn so với khu vực Bắc Á, báo cáo của ngân hàng DBS cho thấy.

Giá hàng hoá tăng cao và tình trạng gián đoạn nguồn cung đã giúp ích cho các nhà xuất khẩu như Indonesia, DBS nhấn mạnh.

Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam “nhìn chung đều ở trên mức 50 điểm trong tháng 9” và  cao hơn các nền kinh tế như Hàn Quốc và Đài Loan.

Triển vọng mờ mịt của Nam Á

Trái ngược với Đông Nam Á, triển vọng của các thị trường cận biên châu Á như Sri Lanka và Bangladesh lại khá mờ mịt, IMF viết trong báo cáo.

Sri Lanka vẫn đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Trong khi đó, tại Bangladesh, chiến sự giữa Nga và Ukraine cùng với giá hàng hoá leo thang đã cản trở đà phục của nước này sau đại dịch.

“Các nền kinh tế nặng nợ như Maldives, Lào và Papua New Guinea, cũng như những nước đối mặt với rủi ro tái cấp vốn như Mông Cổ cũng sẽ bị thử thách...”, IMF lưu ý thêm.

 Cũng theo IMF, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ phục hồi trong năm nay và đạt mức tăng trưởng 3,2%, sau đó tăng tốc lên 4,4% vào năm 2023. Đây là dự đoán với giả định Bắc Kinh sẽ dần nới lỏng chính sách Zero COVID.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm