Ngày 5.5, UBND TP.Huế cho biết HĐND thành phố vừa thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng cảng Chân Mây, kỳ vọng tạo ra diện mạo mới và sức bật mạnh mẽ cho cảng biển chiến lược của miền Trung.

Cảng Chân Mây có vị trí chiến lược, là cửa ngõ hướng ra biển Đông của miền Trung
ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN
Cụ thể, cảng Chân Mây được quy hoạch mở rộng đáng kể, với tổng diện tích dự kiến lên đến 1.160 ha, tăng thêm 458 ha so với trước đây.
Mục tiêu của việc mở rộng này là để đưa Chân Mây thành cảng biển quốc tế hiện đại, đa năng, có khả năng tiếp nhận các loại tàu hàng tổng hợp trọng tải lớn (150.000 - 200.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện kỹ thuật); tàu container (sức chở đến 4.000 TEU), tàu khách quốc tế cỡ lớn (đến 225.000 GT) và tàu hàng lỏng/khí (trọng tải đến 150.000 tấn).
Đặc biệt, cảng sẽ có bến chuyên dụng cho khách du lịch quốc tế, khai thác tiềm năng du lịch biển của Huế.
Cảng Chân Mây có vị trí chiến lược, là cửa ngõ hướng ra biển Đông, thuận lợi cho việc kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, nối miền Trung Việt Nam với Lào, Myanmar và Đông bắc Thái Lan; là cảng chính trên tuyến đường biển kết nối Philippines, Singapore và Hong Kong.
Hiện tại, cảng Chân Mây có bến số 1 với 480 m cầu bến, có thể tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 50.000 DWT và tàu du lịch quốc tế lớn. Hệ thống kho bãi của cảng có diện tích 12.830 m².
Việc đầu tư mở rộng cảng Chân Mây không chỉ nhằm mục tiêu tăng cường năng lực vận tải biển mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch và dịch vụ. Bến cảng du lịch quốc tế hiện đại sẽ là "cánh cửa" rộng mở đón các siêu du thuyền, mang theo lượng lớn du khách quốc tế đến khám phá vẻ đẹp văn hóa, lịch sử và thiên nhiên phong phú của Huế.