Công nghệ

Huawei khó quay lại đường đua chip

Nỗ lực của Huawei

Theo một tài khoản Weibo nổi tiếng với gần hai triệu người theo dõi, chuyên rò rỉ nhiều thông tin chính xác về công nghệ tại Trung Quốc, Huawei sắp đạt được khả năng tự sản xuất được chip trên tiến trình 12 và 14 nm mà không phụ thuộc công nghệ Mỹ.

Sau khi xuất hiện ngày 31/12, thông tin trên nhanh chóng nhận sự chú ý với phần lớn bình luận kỳ vọng Huawei trở lại lĩnh vực chip sau ba năm bị hạn chế bởi các lệnh cấm của Mỹ.

Một gian hàng của Huawei tại sự kiện MWC ở Barcelona tháng 2/2017. Ảnh: Reuters

Một gian hàng của Huawei tại sự kiện MWC ở Barcelona tháng 2/2017. Ảnh: Reuters

Một cựu nhân viên cấp cao của Huawei đánh giá, tin đồn "đáng tin cậy sau ba năm nỗ lực liên tục". Người này tiết lộ Huawei đã đầu tư cho công nghệ sản xuất chip tiên tiến những năm qua, nhưng không cung cấp về địa điểm, năng lực sản xuất, loại chất bán dẫn có thể sẽ sản xuất.

Huawei từ chối bình luận.

Tháng 5/2019, Mỹ đưa Huawei vào danh sách thực thể cần ngăn chặn tiếp cận chuỗi cung ứng công nghệ. Sau các lệnh cấm, Huawei gặp khó khăn trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có mảng bán dẫn HiSilicon. Là bộ phận đảm trách sản xuất chip và linh kiện bán dẫn của Huawei, công ty chiếm 16% thị phần chip xử lý trên toàn cầu trước khi Mỹ đưa ra các lệnh trừng phạt, theo dữ liệu quý II/2020 của Counterpoint. Khi đó, chip Kirin được đánh giá cao nhờ sức mạnh và khả năng tiết kiệm năng lượng. Dù vậy, số liệu từ Gartner công bố tháng 4/2022 cho thấy, HiSilicon đã bị loại khỏi bảng xếp hạng 25 nhà cung cấp chất bán dẫn hàng đầu thế giới.

Chặng đường chông gai

Dù kỳ vọng Huawei trở lại đường đua chip, nhiều chuyên gia không tin công ty sẽ làm nên chuyện thời gian tới. Một cựu kỹ sư Huawei nói với SCMP, ông nghi ngờ công ty cũ có đủ năng lực để quản lý một chuỗi cung ứng sản xuất chip, vốn phải cần hơn 300 nhà cung cấp riêng lẻ.

Một số kênh truyền thông đưa tin Huawei đã hợp tác với các bên khác để sản xuất chip. Theo báo cáo của Nikkei tháng 9 năm ngoái, công ty được cho là đã hợp tác với nhà sản xuất bộ nhớ DRAM Fujian Jinhua Integrated Circuit Co. (JHICC) để sản xuất bộ vi xử lý và chip logic.

Tháng 4 cùng năm, Financial Times tiết lộ Washington đã mở cuộc điều tra đối với Yangtze Memory Technologies Corp (YMTC) vì nghi ngờ họ cung cấp linh kiện cho Huawei, vi phạm lệnh trừng phạt. YMTC - công ty sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc - sau đó bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Một công ty khác cũng bị liệt vào danh sách đen là Pengxinwei IC Manufacturing Co, đặt nhà máy ở Thâm Quyến, gần khuôn viên của Huawei. Trước đó, đây được xem là cái tên có thể giúp Huawei vượt khó ở mảng bán dẫn.

"Huawei chắc chắn đang tiến bộ với nỗ lực sản xuất chip của mình. Nhưng câu hỏi về liệu khả năng sản xuất của công ty có thể đạt tới tiến trình 14 nm hay không vẫn còn là sự phỏng đoán", Yang Guang, nhà phân tích của hãng nghiên cứu Omdia, nhận xét.

Cũng theo Guang, bước đột phá trong công nghệ nút kế thừa trên tiến trình 28 nm có vẻ hợp lý hơn đối với Huawei. Nó cũng giúp công ty duy trì doanh thu từ hoạt động kinh doanh thiết bị viễn thông và xe điện (EV) non trẻ - những lĩnh vực vốn dựa vào nhiều công nghệ bán dẫn cũ hơn.

Sự suy đoán này có cơ sở khi Huawei đã gửi đơn xin cấp bằng sáng chế về kỹ thuật in khắc cực tím (EUV) lên Cục Quản lý Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc (CNIPA) vào ngày 15/11/2022. Về lý thuyết, công nghệ có thể được áp dụng cho sản xuất chip 7 nm trở về trước. Đến nay, ASML Holdings có vị trí gần như độc quyền trong việc sản xuất máy in khắc EUV tiên tiến. Nếu thành công, Huawei được kỳ vọng có thể phá vỡ thế độc quyền này.

(theo SCMP)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm