Không dùng bê tông cốt thép, những tòa nhà cao tầng hàng ngàn năm tuổi này được chế tạo bằng “gạch bùn”.
Những tòa nhà chọc trời hiện đại chủ yếu xuất hiện từ cuối thế kỷ 19. Còn trước đó rất lâu, cũng có những kiến trúc “chọc trời” cổ đại đã được xây bằng gạch bùn ở Yemen.
Tuy những tòa nhà chọc trời hiện đại đầu tiên xuất hiện ở Hoa Kỳ là kết quả của sự phát triển công nghệ và xã hội diễn ra vào nửa sau của thế kỷ 19, thế nhưng khái niệm xây dựng theo chiều dọc không hẳn là một ý tưởng mới. Nhiều tòa nhà “chọc trời” cổ xưa vẫn còn tồn tại ở Yemen và chúng đã có tuổi đời ít nhất vài thế kỷ.
Không dùng bê tông cốt thép, những kiến trúc đặc biệt này được chế tạo bằng cách sử dụng một phát minh cổ xưa là gạch làm từ bùn đất. Không chỉ được xây dựng bằng vật liệu tự nhiên, những ngôi nhà này còn được tạo ra mà không phải dùng đến giàn giáo. Theo đó, thợ xây sẽ làm nền móng bằng đá sâu khoảng 2m trước và xếp chồng gạch bùn so le lên trên và từ từ xây lên cao. Giàn giáo chỉ được sử dụng khi nhà đã hoàn thành hoặc cần tô trát lại hay phục hồi.
Tất nhiên, những tòa nhà chọc trời tại Yemen không cao bằng những tòa nhà hiện đại, thế nhưng chúng vẫn đang được sử dụng cho đến ngày nay. Ở Yemen, có 3 địa điểm đặc biệt nổi tiếng với những tòa nhà độc đáo này là Sana'a, Shibam và Zabid. Tất cả đều được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.
1. Tòa nhà chọc trời bằng gạch bùn ở thủ đô Sana'a
Những tòa nhà chọc trời nổi tiếng nhất của Yemen là nằm ở thủ đô Sana'a, một thung lũng được bao quanh bởi những ngọn núi, có niên đại hơn 2500 năm. Do nằm trên tuyến đường thương mại nội địa trọng điểm, Sana'a đã trở thành một khu định cư quan trọng vào những thế kỷ đầu sau Công nguyên.
Các tòa nhà chọc trời bằng gạch bùn của thành phố, cùng với những tòa nhà ở Shibam và Zabid, được xây dựng vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9 sau Công nguyên, hoặc có thể sớm hơn vì chưa có nghiên cứu nào xác định được niên đại chính xác cho các cấu trúc bằng gạch bùn này. Điều này là do các cấu trúc loại gạch được làm từ bùn dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường khắc nghiệt nên cần phải được khôi phục và vá liên tục để tránh bị sụp đổ.
Những tòa nhà cao tầng xây dựng không dùng bê tông, xi măng
Các tòa nhà chọc trời bằng gạch bùn ở Sana'a có từ 5 - 9 tầng và đương nhiên không có “thang máy”. Việc leo lên tầng trên cùng đòi hỏi phải có thể chất nhất định và thậm chí còn khó khăn hơn bởi thực tế Sana'a nằm ở độ cao 2000m so với mực nước biển.
Cửa sổ mặt tiền của các tòa nhà chọc trời ở Sana'a được trang trí đẹp mắt bằng một loại thạch cao đặc biệt gọi là qadad. Những cửa sổ này được tìm thấy ở những tầng ở trên cao còn những tầng thấp chỉ có cửa sổ nhỏ. Điều này được cho là để ngăn người ngoài nhìn vào trong nhà, từ đó mang lại cho cư dân sự riêng tư nhất định. Tầng trên cùng của các tòa nhà là không gian chung, dùng để tiếp khách.
Các tòa nhà chọc trời bằng gạch bùn của thành phố cũng đã trải qua nhiều năm hư hỏng và thỉnh thoảng bị hư hại do các cuộc không kích trong cuộc nội chiến Yemen đang diễn ra. Vào năm 2020, có thông tin cho rằng mưa lớn đã khiến nhiều tòa nhà chọc trời bằng gạch bùn ở Sana'a bị sập.
Sau đó, UNESCO đã khởi động một dự án quy mô lớn để khôi phục và bảo trì các tòa nhà, cũng như đảm bảo rằng các gia đình sống ở đó không bị di dời và có thể tiếp tục sống trong những tòa nhà đặc biệt này.
2. Các tòa nhà chọc trời ấn tượng ở Shibam
Shibam nằm cách thủ đô Sana'a khoảng 600 km về phía đông. Giống như Sana'a, nơi này cũng trở nên giàu có nhờ các tuyến đường buôn bán hương liệu và gia vị. Vào năm 1532 sau Công nguyên, một trận lụt lớn đã phá hủy một phần khu định cư trước đó tại Shibam. Do đó, thành phố hầu hết được xây dựng lại trong thế kỷ 16.
Nổi bật với những tòa nhà chọc trời bằng gạch bùn, nhà thám hiểm người Anh Freya Stark vào những năm 1930 đã gọi nơi này là “Manhattan của sa mạc”. Các tòa nhà chọc trời bằng gạch bùn của Shibam cao tới 7 tầng, được xây dựng bằng vật liệu có nguồn gốc từ khu vực xung quanh. Gạch bùn được sản xuất bằng cách trộn đất, cỏ khô và nước, định hình thành những viên gạch và để khô dưới ánh nắng mặt trời trong vài ngày.
Những tòa nhà cao được xây dựng bằng vật liệu có nguồn gốc từ khu vực xung quanh.
Ngoài ra, việc bảo trì các tòa nhà thường diễn ra sau vụ thu hoạch. Sau khi các loại cây trồng được thu hoạch, đất sẽ được thu gom để làm gạch mới hoặc phủ lớp bùn mới cho các tòa nhà chọc trời.
Giống như ở Sana'a, những tòa nhà chọc trời bằng gạch bùn ở Shibam cũng không có cửa sổ tầng dưới. Tầng trệt của những tòa nhà này được sử dụng để chăn nuôi gia súc, lưu trữ ngũ cốc còn tầng trên được sử dụng để giao tiếp xã hội và là khu vực chung. Ngoài ra, các tòa nhà có cầu và cửa kết nối lại với nhau tạo thành con đường trốn thoát nhanh chóng trong quá khứ và là một trong những tính năng phòng thủ khác bên cạnh tường bao được đưa vào cảnh quan đô thị của Shibam.
3. Tòa nhà chọc trời bằng gạch bùn của Zabid
Thành cổ Zabid là một trong những thành phố thịnh vượng ở Yemen trong quá khứ, nằm cách Sana'a khoảng 300 km về phía tây nam, trên bờ sông Wadi Zabid. So với Sana'a và Shibam, những tòa nhà ở Zabid thấp hơn nhiều, thường không quá 3 tầng và cũng được xây từ gạch bùn.
Các hoa văn trang trí gồm các họa tiết hoa và động vật, thư pháp và các thiết kế hình học và trừu tượng
Một trong những điểm nổi bật của các tòa nhà ở Zabid là mặt tiền được trang trí bằng các hoa văn trát vữa phức tạp, lấy cảm hứng từ truyền thống Ả Rập, Châu Phi và Ấn Độ. Các hoa văn trang trí gồm các họa tiết hoa và động vật, thư pháp và các thiết kế hình học và trừu tượng phản ánh vị thế trung tâm văn hóa trong quá khứ của Zabid.
Tuy nhiên, người ta ước tính rằng có tới 40% cấu trúc truyền thống của Zabid đang bị đe dọa bởi những phát triển mới, dẫn đến việc thị trấn được đưa vào “Danh sách Di sản Thế giới đang gặp nguy hiểm” của UNESCO.
Tóm lại, các tòa nhà chọc trời bằng gạch bùn của Yemen là một nhóm cấu trúc độc đáo có từ trước khi các tòa nhà chọc trời hiện đại đầu tiên được xây dựng. Việc sử dụng gạch bùn để xây dựng những cấu trúc cao vút này là một minh chứng cho sự khéo léo của con người.
Những cấu trúc cổ xưa này vẫn bị đe dọa bởi các điều kiện môi trường khắc nghiệt, đặc biệt là lũ lụt, thiệt hại từ cuộc nội chiến đang diễn ra và sự xâm lấn của các khu phát triển mới. Nhưng việc tồn tại qua nhiều thế kỷ là một dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi của chúng.
(Theo ancient-origins.net)