Thời sự

HSBC: Việt Nam vẫn là quốc gia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI

Trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng HSBC đưa ra nhận định tích cực về triển vọng FDI của Việt Nam.

"Bất chấp những thách thức mang tính chu kỳ trong thương mại, triển vọng FDI dài hạn của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng. Mặc dù FDI đã giảm so với đỉnh năm 2017, một phần do bối cảnh tiền tệ toàn cầu thắt chặt hơn, Việt Nam vẫn là quốc gia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI, chỉ đứng sau Malaysia", HSBC cho hay.

Theo các chuyên gia tại đây, lĩnh vực sản xuất chiếm phần lớn vốn FDI, mang lại niềm hy vọng Việt Nam có thể tiến lên trong chuỗi giá trị, chuẩn bị cho một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ khi chu kỳ thương mại đổi chiều. Luồng FDI mới tiếp tục đổ vào lĩnh vực sản xuất, tính đến thời điểm này đã vượt mức tổng FDI mới của từng năm trong ba năm qua.  

Báo cáo cũng đề cập đến sự dịch chuyển chuỗi cung ứng công nghệ tiếp tục là vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden vào tháng 9 khi hai nước nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.

Tổng thống Biden công bố rằng các công ty công nghệ Mỹ, bao gồm Amkor và Marvell, có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Nhưng không chỉ Mỹ đầu tư vào Việt Nam, vài tuần sau, công ty Hana Micron của Hàn Quốc cũng hưởng ứng bằng việc công bố sẽ mở rộng sản xuất chip với khoản đầu tư 1 tỷ USD từ đây đến năm 2025.

 

FDI là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. 

Vốn đầu tư thực hiện của các nhà đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục tăng, đạt hơn 15,9 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ. 

Nikkei Asia mới đây nhận định chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Biden có thể kích thích làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, cơ hội hình thành làn sóng FDI thứ tư.  

Hiện Việt Nam muốn chuyển hướng từ các ngành thâm dụng lao động như dệt may, lắp ráp điện tử sang các ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Sự hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ, đặc biệt là các công ty chiếm vị thế trong lĩnh vực bán dẫn, AI, sẽ rất quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu công nghiệp đất nước.      

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua đã yêu cầu xây dựng đề án phát triển nhân lực với mục tiêu đào tạo 30.000-50.000 kỹ sư, 100 chuyên gia về chuyển đổi số, sản xuất chip, bán dẫn. Việt Nam cũng đang cân nhắc các biện pháp, chính sách mới để thu hút các công ty đa quốc gia.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm