Theo thống kê của Wichart tính đến ngày 3/8, có gần 1.060 công ty đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2023, trong đó có 110 doanh nghiệp báo lãi ròng tăng trưởng trên 100%. Riêng sàn HOSE có 35 đơn vị, HNX có 36 công ty và 39 doanh nghiệp thuộc sàn UPCoM.
Tăng trưởng lợi nhuận ròng cao nhất trong quý II/2023 thuộc về một doanh nghiệp vận tải biển là CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Mã: VST) - thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - Mã: MVN). Quý vừa rồi, công ty này lãi ròng gần 517 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi 126 triệu đồng.
Công ty này đã có 10 năm lỗ liên tiếp từ 2012 - 2021 và bắt đầu có lãi trở lại vào năm 2022 với 214 tỷ đồng. Hai quý đầu năm của 2023, công ty cũng có lãi nhưng mức lỗ lũy kế tính đến ngày 30/6/2023 là 1.632 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 945 tỷ. Tổng nợ phải trả lên tới 1.404 tỷ đồng.
Hiện tại, 65 triệu cổ phiếu VST đang bị duy trì hạn chế giao dịch trên sàn HNX và chỉ được giao dịch phiên thứ 6 hằng tuần.
Trong 110 doanh nghiệp được thống kê có lãi ròng tăng trưởng đột biến, xuất hiện nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán như Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS), Tập đoàn Gelex (Mã: GEX), Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC), Vinhomes (Mã: VHM), Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC), KIDO (Mã: KDC), Nhựa Bình Minh (Mã: BMP),...
Quý II vừa rồi, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam lãi ròng 225 tỷ đồng, gấp 33 lần cùng kỳ. Bên cạnh việc ghi nhận doanh thu tăng trưởng 24%, đơn vị này còn ghi nhận thêm 156 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, khoản lợi nhuận khác 34 tỷ (cùng kỳ chỉ gần 20 triệu đồng) - đây là khoản hoàn nhập dự phòng bảo hành các dự án đã hoàn thành nghĩa vụ theo quy định hợp đồng với khách hàng trong quý. Trong khi đó các chi phí hoạt động được tiết giảm mạnh.
Ở diễn biến khác, Tập đoàn Dabaco giải trình lợi nhuận ròng quý II đạt 327 tỷ đồng, gấp 23 lần cùng kỳ và là mức lãi cao nhất trong vòng 9 quý trở lại đây là do giá một số nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu giảm, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm từng bước được kiểm soát, giá heo hơi tăng dần.
Bên cạnh đó, công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận bất động sản với 754 tỷ đồng trong quý II, trong khi quý đầu năm chưa ghi nhận, đây là nguồn thu từ dự án chung cư cao cấp Packview tại thành phố Bắc Ninh của công ty.
Đại diện cho nhóm xây dựng dân dụng là CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) khi tập đoàn này vừa có quý ghi nhận lãi ròng kỷ lục với 547 tỷ đồng sau thời gian nội chiến.
Dù doanh thu thuần đạt 2.298 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt lên 436 tỷ và ăn mòn phần lãi gộp 424 tỷ đồng, nhưng nhờ khoản thu nhập khác từ thanh lý tài sản cố định, vật tư phát sinh 656 tỷ trong kỳ đã giúp công ty thoát lỗ, đồng thời báo lãi kỷ lục.
Theo thuyết minh, trong kỳ tập đoàn ghi nhận 1.293 tỷ đồng nguyên giá máy móc thiết bị đã được thanh lý. Sau khi bán, số dư tài sản cố định hữu hình tại ngày 30/6 còn gần 348 tỷ đồng, giảm 62% so với ngày đầu năm.
Đối với Tập đoàn KIDO (Mã: KDC), quý II này công ty ghi nhận lãi tăng đột biến 199% lên 651 tỷ đồng, cao nhất kể từ quý IV/2016 tới nay, chủ yếu là do tập đoàn tái cơ cấu trong hoạt động đầu tư như thoái vốn các khoản đầu tư Calofic, KIDO Foods và đầu tư mới vào mảng bánh Thọ Phát. Khoản lãi từ thanh lý đầu tư ghi nhận hơn 898 tỷ đồng, cùng kỳ không ghi nhận.
Một đơn vị đại diện cho nhóm bất động sản là Vinhomes (Mã: VHM) khi lợi nhuận ròng đạt 9.652 tỷ đồng trong quý II/2023, gấp gần 14,5 lần cùng kỳ năm trước và trở thành quán quân lợi nhuận trên sàn chứng khoán.
Theo Vinhomes, các đợt mở bán thành công của dự án Vinhomes Ocean Park 2 và Vinhomes Ocean Park 3 với giá trị hợp đồng ký mới (doanh số) và doanh số chưa bàn giao đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022 đã tạo tiền đề vững chắc cho doanh thu lợi nhuận của Vinhomes trong năm 2023.