Thời sự

Nhập khẩu một mặt hàng chủ lực giảm 71% trong tháng 7 - sâu nhất trong 4 năm

Diễn biến ba mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất trong tháng 7

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, nhập khẩu "Điện tử, máy tính và linh kiện" đạt 7 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ, cải thiện so với mức giảm 0,5% trong tháng 6 và giảm 9,7% trong tháng 5.

Với mức tăng 1,6% trong tháng 7, nhập khẩu mặt hàng này đã kết thúc chuỗi 8 tháng tăng trưởng âm liên tiếp (từ tháng 11/2022 đến tháng 6/2023).

 

"Điện tử, máy tính và linh kiện" là mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn nhất. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu của "Điện tử, máy tính và linh kiện" đạt 81,86 tỷ USD.

Đứng thứ hai và thứ ba lần lượt là "Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác" (45,13 tỷ USD); "Điện thoại các loại và linh kiện" (21,12 tỷ USD).

 

Trong nhóm ba mặt hàng nhập khẩu chính này, chỉ có "Điện tử, máy tính và linh kiện" có tốc độ nhập khẩu cải thiện, nhập khẩu "Điện thoại các loại và linh kiện" giảm sâu 71,8% trong tháng 7 so với cùng. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, đây là mức giảm so với cùng kỳ lớn nhất.

Cơ quan thống kê cho biết kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này chỉ đạt 500 triệu USD trong tháng 7, trong khi tháng 7/2022 đạt hơn 1,55 tỷ USD. Xét giai đoạn từ 2016 đến nay, nhập khẩu trong tháng 7/2023 của mặt hàng này đạt giá trị thấp nhất. 

 

Nhập khẩu "Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác" cũng không cải thiện trong tháng 7, khi giảm 20,6%, mạnh hơn so với mức giảm 9,6% trong tháng 6.

So sánh với tháng trước, bức tranh khả quan đối với mặt hàng "Điện thoại và linh kiện" khi giá trị nhập khẩu đạt 500 triệu USD, tăng so với 450 triệu USD trong tháng 6.

Nhập khẩu "Điện tử, máy tính và linh kiện" cũng tăng 4,5% so với tháng 6, còn "Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác" giảm hơn 12%.

 

Ở nhóm mặt hàng nhập khẩu có giá trị từ 9-15 tỷ USD năm 2022, so với cùng kỳ, chỉ có nhập khẩu vải cải thiện, nhập khẩu "Chất dẻo" và "Hóa chất" đều giảm sâu hơn so với mức giảm trong tháng 6.   

 

Nhập khẩu máy tính tăng trở lại báo hiệu ổn định trong thương mại

Xét bức tranh chung của nhập khẩu, đà giảm đã thu hẹp đáng kể trong tháng 7 khi nhập khẩu chỉ còn giảm 9,9% so với mức giảm 18% trong tháng 6.

Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa giảm tháng thứ 5 liên tiếp, nhưng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 2 do mức so sánh thấp (giảm 3,5% so với giảm 11% trong tháng 6). So với tháng trước, xuất khẩu tăng chậm hơn ở mức 0,8% (so với 5% trong tháng 6).

 

Trong báo cáo mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) cho rằng việc thúc đẩy xuất khẩu do việc Trung Quốc mở cửa trở lại và nhu cầu điện tử toàn cầu có thể ổn định mang đến hy vọng rằng tình trạng suy thoái xuất khẩu tồi tệ nhất có thể đã qua.

Theo MBKE, sự phục hồi xuất khẩu vừa phải có thể được nhìn thấy trong quý IV, củng cố nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu bên cạnh việc tăng cường đầu tư công và cắt giảm lãi suất chính sách. Năng lực sản xuất cao hơn nhờ dòng vốn FDI có thể thúc đẩy triển vọng phục hồi khi nhu cầu toàn cầu tăng lên.

Vào ngày 28/7, Samsung (đơn vị thống trị xuất khẩu điện thoại thông minh của Việt Nam) cho biết họ tương đối lạc quan về nhu cầu điện thoại thông minh trong nửa cuối năm, do sự gián đoạn nguồn cung của công ty hầu như đã được giải quyết. Nhu cầu sẽ không thay đổi hoặc tăng trưởng một con số. 

Khối phân tích của Ngân hàng HSBC mới đây cũng đưa ra nhận định về triển vọng thương mại của Việt Nam.

Các chuyên gia tại đây cho rằng các các hiệu ứng cơ sở phần nào hỗ trợ cho xuất, nhập khẩu tháng 7 nhưng có một số dấu hiệu đang cho thấy một sự ổn định quý giá – đặc biệt là từ các hoạt động nhập khẩu liên quan đến máy tính.

"Mặc dù còn sớm để nói, nhưng các chỉ số PMI tương lai đang cho thấy triển vọng thương mại ngắn hạn của Việt Nam sẽ ổn định hơn – đầu tiên là dừng đà suy giảm, sau đó thương mại sẽ phục hồi rõ ràng hơn", HSBC dự báo.     

Cùng chuyên mục

Đọc thêm