Ảnh: Creative Commons
Okinoshima là hòn đảo nằm giữa Kyushu ở cực tây nam Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên. Đảo thuộc một phần của thành phố Munakata, Fukuoka. Theo Japan Times, toàn bộ hòn đảo được coi là đất thiêng của Thần đạo Shinto, với dân số chỉ bao gồm 1 người, làm nhiệm vụ canh giữ ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ 17, vốn là nơi tiến hành các nghi thức cầu an cho những người đi biển.
Ngôi đền thờ linh thiêng trên đảo. Ảnh: Redux
Trước khi ngôi đền thiêng được xây dựng, đảo Okinoshima còn là nơi cầu giao thương thành công của người dân bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc trong giai đoạn thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 9.
Ảnh: Iromegane.com.
Luật cấm phụ nữ đến Okinoshima đã có từ thời xa xưa. Những khách viếng thăm là nam giới cũng có những luật lệ riêng buộc phải tuân thủ. Trước khi đặt chân lên hòn đảo, những người đàn ông phải cởi bỏ mọi quần áo trên người và phải trải qua một nghi thức tẩy trần. Nghi lễ tẩy rửa này được thực hiện qua nhiều thế kỷ, nam giới sẽ trút bỏ trang phục và tắm misogi - tắm khỏa thân trên biển để tẩy mọi tạp chất.
Khi rời khỏi nơi đây, họ cũng không được phép mang theo bất kì vật gì về nhà dù lớn hay nhỏ. Đặc biệt, họ cũng không được phép tiết lộ chi tiết chuyến thăm của mình đến hòn đảo.
Ảnh: CNN
Người ta khai quật được tại hòn đảo này khoảng 80.000 di vật được người xưa mang từ nước ngoài tới đây làm quà tặng, trong đó những chiếc nhẫn vàng xuất xứ từ bán đảo Triều Tiên, mảnh vỡ cốc thủy tinh có nguồn gốc từ Ba Tư và nhiều món đồ khác. Tất cả những hiện vật này đều coi là báu vật quốc gia.
Ảnh: BBC.
Năm 2017, đảo Okinoshima rộng khoảng 700m2, có độ cao tối đa 244m đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới trong kỳ họp thứ 41 tại Ba Lan.
Khi được đưa vào danh sách UNESCO, nhiều người lo ngại hòn đảo sẽ đón nhiều khách du lịch, qua đó đe dọa sự linh thiêng của nơi này. Tuy nhiên ông, Takayuki Ashizu, đại diện ngôi đền Munakata Taisha Okitsumiya cho biết, dù nhận được nhiều lời đề nghị từ phía các cơ quan du lịch nhưng hòn đảo vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm phụ nữ.
"Chúng tôi sẽ không mở cửa Okinoshima đón công chúng rộng rãi, ngay cả khi nơi này được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Mọi người không nên đến thăm đảo chỉ vì sự tò mò, hiếu kỳ", ông Takayuki nhấn mạnh.
Từ nhiều thế kỷ, hòn đảo chỉ đón khách nam và nghiêm cấm phụ nữ
Ngày nay hòn đảo bí ẩn này vẫn chỉ tiếp đón du khách vào một ngày duy nhất trong năm, ngày 27/5, để tưởng niệm những thủy thủ thiệt mạng trong một trận chiến hải quân. Số lượng du khách lên đảo cũng bị giới hạn, dưới 200 người.
Du khách đang chèo thuyền vào hang động của đảo Okinoshima. Ảnh: Flickr
Đảo này không phải là địa điểm duy nhất của Nhật Bản cấm phụ nữ. Núi Sanjo ở Công viên Quốc gia Yoshino-Kuman tại trung tâm Honshu, một Di sản Thế giới UNESCO, cũng hoàn toàn không có bóng dáng một người phụ nữ nào.
Tổng hợp