Người Mỹ giàu - nghèo với tốc độ... chóng mặt
Giá trị tài sản ròng của tất của người Mỹ đã tăng với tốc độ chóng mặt trong 2 năm qua, ngay cả khi các gia đình và doanh nghiệp phải đối mặt với sự tàn phá của Covid-19. Cục Dự trữ Liên bang ước tính, các hộ gia đình đã tích lũy thêm 38,5 nghìn tỷ USD từ đầu năm 2020 đến cuối năm ngoái, nâng tổng giá trị tài sản ròng của họ lên 142 nghìn tỷ USD.
Khi nước Mỹ đang phải học cách sống chung với virus và thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng trở lại mức bình thường trước dịch, quốc gia này đang phải đối mặt với một mối đe dọa đáng sợ mới: Sự sụt giảm tài sản đáng kể từ đầu năm 2022 mà JPMorgan Chase & Co. ước tính đạt tổng cộng tối thiểu 5 nghìn tỷ USD và có thể tới 9.000 tỷ USD vào cuối năm.
Bạo phát thì bạo tàn. Chứng khoán Mỹ đã bị bán tháo mạnh mẽ trước nỗi lo suy thoái, lạm phát.
Cho tới nay, những người Mỹ giàu nhất đã phải gánh chịu hậu quả. Tài sản của các tỷ phú Mỹ đã giảm gần 800 tỷ USD so với đỉnh trong bối cảnh cổ phiếu, tiền số và một loạt các tài sản tài chính khác bị sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, đó chưa phải tất cả. Lãi suất tăng cao và bắt đầu tác động tới thị trường nhà ở, nơi những gia đình trung lưu và người lao động để phần lớn tài sản của họ ở đó.
Nhằm dập tắt lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ, FED lại đang cần người Mỹ hạn chế chi tiêu của họ, ngay cả khi nó có thể làm suy giảm nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một loạt các tín hiệu xấu đang khiến áp lực lớn hơn bao giờ hết.
John Norris, nhà kinh tế trưởng tại Oakworth Capital Bank, cho biết: "Thật đau đớn khi phải trở lại bình thường sau khi sống trong một thế giới tưởng tượng hồi năm ngoái. Chúng ta sẽ cảm nhận những điều tồi tệ hơn nhiều so với thực tế".
Kể từ đầu năm, S&P 500 đã giảm 18%. Nasdaq mất 27% trong khi tiền số bị thồi bay tới 48% giá trị.
Cú sốc tài sản khó tránh
Các nhà kinh tế của JPMorgan do Michael Feroli đưa ra nhận định: "Tất cả những điều đó dẫn đến một cú sốc tài sản, kéo lùi đà tăng trưởng trong năm tới".
Các tỷ phú là những người "chiến thắng" nhiều nhất vào năm 2020 và 2021. Giờ đây, họ đang mất nhiều hơn phần còn lại. Kể từ đỉnh tháng 11 năm ngoái, 500 người giàu nhất thế giới đã giảm 1,6 nghìn tỷ USD tài sản. Các tỷ phú Mỹ dẫn đầu bảng xếp hạng buồn này khi 797 tỷ USD bị thồi bay khỏi tài sản của họ so với đỉnh.
Sự giàu có của các hộ gia đình Mỹ tăng lên mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch nhưng hầu hết thuộc về những gia đình giàu nhất.
Có lẽ, Elon Musk dẫn đầu danh sách này khi mất tới 139,1 tỷ USD, tương đương 41% tài sản của mình so với tháng 11. Ở đỉnh, tài sản của Musk có lúc lên tới 340 tỷ USD. Người sáng lập Amazon Jeff Bezos đứng thứ 2 với 82,7 tỷ USD, tương đương 39% tài sản, bị thổi bay.
Dù sự bất bình đẳng có vẻ giảm bớt nhưng thực tế, những gì đang diễn ra cũng không hề thoải mái đối với những người đang lo lắng về sự chênh lệch tài sản ở nước Mỹ. Reena Aggarwal, giám đốc Trung tâm Thị trường Tài chính và Chính sách Psaros của Đại học Georgetown cho biết: "Theo nghĩa tương đối, điều này có vẻ làm giảm bớt một chút sự bất bình đẳng nhưng theo nghĩa tuyệt đối, tất cả mọi người đều sẽ phải gánh chịu mất mát".
Giống như nhiều người, Aggarwal lo ngại thị trưởng giảm sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn cho toàn nền kinh tế. Cho rằng thị trường "cần có một chút điều chỉnh" nhưng những gì đang diễn ra lại là sự điều chỉnh khá lớn và nó sẽ không dừng lại.
Suy thoái về nhà ở, có khả năng xảy ra do tỷ lệ thế chấp tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2009, đe dọa tạo ra những ảnh hưởng lớn hơn. Trong thập kỷ qua, thị trường bất động sản phát triển mạnh đã tăng thêm 18.000 tỷ USD giá trị thị trường liên quan tới định giá nhà do các chủ nhà đang sở hữu.
Chi tiêu của Mỹ cũng đã tăng lên trong những năm gần đây do các chủ sở hữu khai thác các giá trị nâng cao của ngôi nhà của họ để lấy tiền mặt. Hoạt động khai thác vốn chủ sở hữu nhà có thể đã dừng lại trong năm nay. Hơn 40% các khoản tái cấp vốn trong quý cuối cùng của năm ngoái chứng kiến các chủ nhà rút tiền mặt khỏi bất động sản của họ.
Bất động sản được phân bổ đồng đều hơn nhiều so với của cải tài chính. Theo ước tính của Cục Dự trữ Liên bang, 1% giàu nhất sở hữu hơn một nửa số cổ phiếu và quỹ tương hỗ của Mỹ và 90% còn lại sở hữu ít hơn 12%. Ngược lại trong bất động sản, 90% dưới cùng sở hữu hơn một nửa trong khi số 1% trên cùng nắm giữ chưa tới 14%.
Chi tiêu của người Mỹ, vốn được thúc đẩy bởi các khoản vay mua nhà, có thể sắp bị đình trệ.
"Giá nhà và tỷ lệ thế chấp cao hơn đã làm giảm hoạt động của người mua. Có vẻ, nhiều sự sụt giảm sắp xảy ra trong tháng tới", Lawrence Yun, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội môi giới bất động sản quốc gia Mỹ, cho biết.
Có thể mất một thời gian trước khi người Mỹ nhận ra rằng mức tăng giá nhà trong đại dịch của họ đã bốc hơi. Ngay cả việc bán tháo trên thị trường chứng khoán cũng cần một khoảng thời gian để ảnh hưởng tới chi tiêu theo cách mà có thể đẩy nước Mỹ vào suy thoái.
Chris Gaffney, người đứng đầu mảng thị trường toàn cầu tại Ngân hàng TIAA, cho biết: "Việc bán tháo nói chung trên thị trường chứng khoán có thể tác động tới giá trị. Sẽ có lúc, các nhà đầu tư xem xét báo cáo hàng quý và đột nhiên thốt lên: ‘Ôi trời, danh mục đầu tư chứng khoán của tôi đã giảm 20%. Có lẽ tôi không nên đi chuyến đi chơi đó. Có lẽ tôi không nên mua một chiếc TV mới hay chiếc ô tô mới’".
Tham khảo: Bloomberg