Tài chính

Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung điểm mà Chủ tịch Quốc hội là người đầu tiên nêu ra

Như thông tin vừa qua, tại phiên họp thứ 10 trung tuần tháng 4/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số phát sinh trên thị trường từ việc xử lý một số tập đoàn lớn được tập trung thảo luận.

Tại cuộc họp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bổ sung, làm rõ hơn tình hình cho vay ở một số lĩnh vực, cũng như tình hình nợ xấu, các dữ liệu cụ thể hơn về thị trường trái phiếu doanh nghiệp…

Chính phủ đã có báo cáo bổ sung chi tiết, cập nhật mới nhất gửi đến Quốc hội. Báo cáo do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa ủy quyền ký. Bên cạnh các dữ liệu chi tiết như đã đề cập, Thống đốc đã có những giải trình cụ thể các điểm nội dung.

RÀ SOÁT CÁC KHOẢN CÓ LÃI DỰ THU LỚN

Với giải pháp để kiểm soát, xử lý nợ xấu trong thời gian tới, Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện kiểm soát tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng; đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu; phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đúng quy định, nâng cao chất lượng tín dụng; trích lập dự phòng rủi ro khi bán nợ cho VAMC. Triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt tại các chi nhánh của TCTD.

Một điểm được chú ý và thường ít được đề cập trong các thông tin NHNN công bố, hoặc ít được đề cập ở các diễn đàn mở thời gian qua, được nhấn mạnh cụ thể hơn trong báo cáo lần này.

Cụ thể, báo cáo trên cho biết sẽ thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh. Đồng thời, thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt, các khoản có lãi dự thu lớn để kịp thời thực hiện thoái lãi dự thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi.

Cùng đó, thực hiện thoái các khoản lãi dự thu theo quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của NHNN.

Điểm nội dung trên từng được nêu tại phiên họp thứ 10 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. "Chính tôi là người nói đầu tiên về vấn đề lãi dự thu" – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói tại phiên họp đó, với nhận diện rằng "Có một loại là lãi dự thu trên số nợ xấu thì còn xấu hơn cả nợ xấu, tức là ăn vào những cái không có".

Cùng với định hướng về điểm nội dung cụ thể trên, NHNN cho biết tới đây sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VAMC để thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và TSBĐ của các khoản nợ đã bán cho VAMC.

Tích cực phối hợp với VAMC để tìm kiếm các đối tác mua nợ đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC và được VAMC ủy quyền bán nợ, đồng thời tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng TPĐB nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hạn hoặc đúng thời hạn theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

NHNN sẽ tăng cường giám sát sau cho vay; rà soát, chấn chỉnh, thực hiện nghiêm các quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay, đặc biệt là các quy định về việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân; thực hiện giải ngân theo đúng quy định của pháp luật, thỏa thuận cấp tín dụng và quy định nội bộ của TCTD; giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích vay vốn của khách hàng, xác định sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của khách hàng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng.

Tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động của TCTD, đặc biệt là hoạt động cấp tín dụng, ngăn chặn, xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cổ đông/nhóm cổ đông lớn chi phối hoạt động của các TCTD.

THÔNG ĐIỆP "CỨNG RẮN" VỚI CHO VAY BOT, BT

Tại báo cáo trên, Thống đốc cũng khẳng định tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông...

Riêng đối với các dự án BOT, BT giao thông (đặc biệt các dự án có thời gian thu hồi vốn dài) NHNN đưa ra thông điệp: Kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông; Cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, trong đó có liên quan đến các dự án BOT, BT giao thông để hạn chế rủi ro thanh khoản.

Cùng đó, nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng, sàng lọc các dự án BOT, BT hiệu quả, khả thi, có khả năng thu hồi vốn cao, mức độ rủi ro thấp, các dự án thực hiện tốt quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư và xây dựng. Không xem xét các dự án có thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định.

Thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án, năng lực tài chính của chủ đầu tư, khoản tín dụng và TSBĐ để có biện pháp xử lý thích hợp; tăng cường công tác giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, Thống đốc nêu rõ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm