Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết nhập khẩu tiếp tục tăng thấp hơn xuất khẩu trong tháng 4, dù có cải thiện phần nào so với tháng 3.
Sự phân hóa tăng trưởng trong nhóm hàng nhập khẩu rõ nét hơn nhóm hàng xuất khẩu. Những mặt hàng ghi nhận tăng trưởng cả về lượng và giá trị trong 4 tháng đầu năm chỉ có dầu thô, xăng dầu và cao su. Những mặt hàng ghi nhận suy giảm cả về lượng và giá trị gồm có phế liệu sắt thép, ô tô, hạt điều, ngô và quặng.
Trong khi đó, giá hàng hóa tăng đã thúc đẩy tăng trưởng nhập khẩu của các mặt hàng như kim loại cơ bản, nguyên liệu dệt may (bông, xơ sợi), phân bón, lúa mì, đậu tương dù nhu cầu về lượng giảm so với cùng kỳ.
Nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng điện tử vẫn duy trì tích cực với mức tăng 27,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 26,9% của quý 1. Trong khi đó, nhập khẩu nguyên liệu cho hàng dệt may có dấu hiệu suy giảm từ mức tăng trưởng 17,6% trong quý 1, thu hẹp chỉ còn tăng 12,4% trong 4 tháng đầu năm.
VDSC nhận định diễn biến trên cho thấy việc gián đoạn nguồn cung do chính sách Zero-COVID tại Trung Quốc đã thể hiện nhiều ở khía cạnh nhập khẩu hơn so với xuất khẩu.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu từ Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 12,1% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 12,6% trong quý I. Nhập khẩu máy móc thiết bị từ Trung Quốc chiếm 1/2 kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam, giảm 2,3% so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm. Nhập khẩu nguyên liệu cho hàng dệt may thu hẹp cũng có nguyên nhân đến từ việc khó khăn trong việc nhập hàng từ Trung Quốc.
Ở các thị trường nhập khẩu khác, nhập khẩu từ các nước như Mỹ và EU vẫn tăng trưởng âm, lần lượt 9,8% và 3,4% so với cùng kỳ. Nhập khẩu từ Hàn Quốc cải thiện so với tháng trước từ mức tăng trưởng 32,6% lên 34,4%. Trong khi đó, nhập khẩu từ các nước ASEAN suy giảm từ mức tăng 15,0% trong quý 1 chỉ còn 13,6% trong 4 tháng đầu năm 2022.