Ngày 14/12, Chính phủ ban hành Nghị định số 91 về lộ trình thực hiện niên hạn sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt. Theo đó, các phương tiện hết niên hạn sử dụng được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2030.
Bộ GTVT cho biết, việc kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt nhằm hỗ trợ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong điều kiện khó khăn không có nguồn vốn đầu tư, tận dụng các phương tiện giao thông đường sắt sắp hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, điều kiện khai thác an toàn, cần có giải pháp tháo gỡ theo hướng kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt.
Ngành đường sắt hiện có 60 đầu máy, hơn 500 toa xe sắp hết niên hạn trong năm 2023. Theo lãnh đạo VNR, việc đầu tư mua sắm mới sẽ gây áp lực về tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chi phí mất khoảng 8.000 tỷ đồng.
Cụ thể, tính đến đầu năm 2022, toàn ngành đường sắt đang khai thác tổng cộng 258 đầu máy, 980 toa xe khách và 4.318 toa xe hàng. Đến 1/1/2024 sẽ có 38 đầu máy, 74 toa xe khách, 391 toa xe hàng hết niên hạn; Đến 1/1/2025 có thêm 18 đầu máy, 50 toa xe khách; Đến 1/1/2026 có 58 đầu máy, 44 toa xe khách và 1.081 toa xe hàng hết niên hạn.
Như vậy, khi Nghị định số 91 được áp dụng, 38 đầu máy, 74 toa xe khách, 391 toa xe hàng sắp hết niên hạn sẽ tiếp tục được sử dụng.
Theo Bộ GTVT, nếu đầu tư mới, mất tối thiểu 5 năm mới đưa vào hoạt động thì thời gian sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt của Việt Nam hiện nay tối đa chỉ còn lại 26 năm (thấp hơn niên hạn sử dụng phương tiện đường sắt) nên không đem lại hiệu quả kinh tế và gây lãng phí.
Cũng theo tính toán của VNR, để thay thế tổng số đầu máy sẽ hết hạn sử dụng đến năm 2050 cần tối thiểu 10.000 tỷ đồng.
Như vậy, VNR và các doanh nghiệp vận tải đường sắt cơ bản không còn vốn tự có để đầu tư, đồng thời cũng không đủ điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư phương tiện giao thông đường sắt.