Doanh nghiệp

Lô trái phiếu 300 triệu USD của Novaland được tái cấu trúc

Nội dung này được Novaland (NVL) nêu trong văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) sáng nay. Công ty cho biết đã đạt được thỏa thuận với các trái chủ đang nắm khoảng 74,5% tổng giá trị tiền gốc đang lưu hành của lô trái phiếu 298,6 triệu USD. Đây là khoản huy động vốn từ năm 2021, không có tài sản đảm bảo với lãi suất 5,25% mỗi năm.

Theo thỏa thuận mới, các khoản lãi phát sinh trước 31/12/2024, Novaland sẽ được thanh toán chậm. Thời điểm thanh toán là ngày đáo hạn trái phiếu năm 2026 hoặc đợt mua lại trước hạn trong tương lai. Giá trị mua lại được tính bằng 115% tiền gốc ban đầu (đã trừ đi phần chuyển đổi thành cổ phiếu) cộng lãi trả chậm và lãi phát sinh. Trong đó, lãi trả chậm sẽ được tính 5,25% một năm như vốn gốc.

Nhóm trái chủ cũng đã cam kết không yêu cầu Novaland thanh toán ngay lãi và gốc trong thời gian tới. Đồng thời, họ sẽ không bán, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ trái phiếu cho bên thứ ba, trừ khi bên mua cũng đồng ý với thỏa thuận mới.

Thời gian tới, các trái chủ cũng có thể chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu NVL. Giá chuyển đổi ban đầu là 40.000 đồng một cổ phiếu. Mức này thấp hơn 3,4 lần so với giá 135.700 đồng được đưa ra năm 2021. Tuy nhiên, con số trên vẫn cao gấp 2,5 lần so với thị giá hiện tại của NVL - khoảng 16.250 đồng trong phiên sáng nay.

Nếu chọn chuyển đổi sang cổ phiếu, các trái chủ sẽ có ba lần thực hiện với mức giá giảm dần. Novaland cũng đặt ra lịch trình chuyển đổi thành cổ phiếu với bốn đợt.

Hiện ngày hiệu lực của thỏa thuận mới vẫn chưa được xác định vì cần có sự phê duyệt của cổ đông, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và phê chuẩn từ tòa án có liên quan tại Singapore.

Khách hàng tham quan sa bàn một dự án của Novaland tại Bình Thuận, ảnh chụp vào năm 2021. Ảnh: Novaland

Khách hàng tham quan sa bàn một dự án của Novaland tại Bình Thuận, ảnh chụp vào năm 2021. Ảnh: Novaland

Novaland cho biết giao dịch trái phiếu chuyển đổi theo thỏa thuận mới sẽ giảm áp lực cho công ty trong bối cảnh khó khăn chung và các vướng mắc pháp lý gây ra nhiều thách thức cho thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính. "Giao dịch này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công ty ổn định, sớm phục hồi và tối đa hóa giá trị cho các bên liên quan", đại diện Novaland nói.

Trước đó, NVL từng công bố việc thương lượng với Ad Hoc Group - đại diện nhóm trái chủ nắm giữ hơn 75% lô trái phiếu này - vào cuối tháng 9. Động thái trên diễn ra sau khi Novaland chưa trả 7,8 triệu USD tiền lãi do gặp khó khăn trong thanh khoản.

Tại cuộc họp với Thủ tướng hồi giữa tháng 11, Giám đốc tài chính Novaland Dương Văn Bắc cho biết tập đoàn này đã qua thời điểm khó khăn nhất và đi được 80% con đường tái cấu trúc. Công ty hiện sắp xếp lại ưu tiên cho những công trình sắp hoàn thiện để bàn giao sản phẩm cho khách hàng và chọn những dự án có khả năng thanh khoản cao để đẩy nhanh pháp lý nhằm bắt kịp đà hồi phục của thị trường.

Trong quý III, Novaland lãi sau thuế hơn 136 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên công ty này có lãi trở lại sau nửa đầu năm lỗ hơn 1.000 tỷ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất của Novaland đạt hơn 2.730 tỷ đồng và lỗ hơn 950 tỷ.

Công ty cũng tập trung vào tái cấu trúc nợ. Đến hết 30/9, tổng nợ phải trả giảm nhẹ 3,5% về hơn 205.460 tỷ đồng. Novaland cũng tích cực đàm phán gia hạn trái phiếu, riêng tháng 9, doanh nghiệp này và công ty con đã dời kỳ hạn cho ba lô trái phiếu với tổng giá trị khoảng 1.145 tỷ đồng.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), hơn 60 tổ chức phát hành thực hiện thành công hoạt động thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu và đã báo cáo lên HNX, tính đến ngày 27/10. VNDirect ước tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được gia hạn kể trên là khoảng 107.000 tỷ đồng.

Trong hội thảo gần đây, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cũng cho biết có khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp đã có phương án đàm phán. Tỷ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% trong tháng 2 lên 63% vào tháng 10.

"Việc Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định 08 đã cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu trên tinh thần rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa các bên", ông Dương cho biết.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm