Thời sự

Các thị trường xuất khẩu lớn đang phục hồi ra sao?

Sau nửa đầu năm sụt giảm mạnh, xuất khẩu những tháng cuối năm đang có dấu hiệu phục hồi. Trong hai tháng cuối năm, tăng trưởng xuất khẩu được dự báo nhiều khả năng sẽ tăng tốc nhờ hiệu ứng cơ sở thuận lợi. 

Xuất khẩu sang EU và ASEAN tích cực nhất

Nhìn sâu hơn vào 6 thị trường chủ lực, xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 11 tăng 9% so với cùng kỳ. Đây đã là tháng thứ 2 liên tiếp tăng trưởng dương, sau chuỗi 7 tháng sụt giảm liên tiếp. Tuy nhiên so với tháng trước, tăng trưởng lại giảm 4,2%, trước đó tháng 10 tăng 11,2% so với tháng 9.

Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, lượng xuất khẩu sang trong tháng 11 tăng gần 6% so với cùng kỳ, mức tăng này khá thấp so với tháng 9 và 10 trước đó. So với tháng trước, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 10,5%, chấm dứt chuỗi tăng trưởng dương kéo dài 3 tháng.    

EU và ASEAN là hai thị trường duy trì tăng trưởng dương hai tháng liên tiếp cả so với cùng kỳ và so với tháng liền trước. Cụ thể, xuất sang EU tăng 10% so với cùng kỳ và 0,27% so với tháng trước. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, xuất khẩu sang thị trường EU chiếm hơn 12% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Xuất khẩu sang ASEAN tăng hơn 15,6% trong tháng 11 so với cùng kỳ và hơn 11% so với tháng trước. Năm 2022, thị trường này chiếm 9,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng trong xu hướng chung, là tăng so với cùng kỳ nhưng giảm so với tháng trước đó. Riêng xuất khẩu sang Nhật Bản so với cùng kỳ vẫn tăng trưởng âm suốt từ tháng 4 đến nay, so với tháng trước tăng nhẹ.

 

 

Xuất khẩu "máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện" tăng trưởng tốt nhất

Trong 8 mặt hàng chủ lực, hai mặt hàng tăng trưởng cả so với cùng kỳ và so với tháng trước là "máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện" và "giày dép các loại", còn lại hầu hết đều tăng so với cùng kỳ nhưng giảm so với tháng 10/2023. 

"Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện" ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất (hơn 25%) trong tháng 11 so với cùng kỳ, và duy trì tăng trưởng dương liên tiếp từ tháng 7 đến nay. Tương tự, hàng rau quả cũng tăng trên 23%.

 "Điện thoại các loại và linh kiện" giảm cả so với tháng 10/2022 và so với tháng trước. 

 

 

 

 Dệt may vẫn chưa thoát tăng trưởng âm

Xuất khẩu dệt may đã ghi nhận tăng nhẹ 7% so với tháng trước nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas),xuất khẩu toàn ngành dự kiến đạt hơn 40 tỷ USD năm 2023,giảm hơn 9% so với năm 2022, và đặt mục tiêu đạt 44 tỷ USD năm 2024. 

Trong năm nay, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã có sự thay đổi rõ rệt. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh như: Đồ nỉ, quần short, quần áo trẻ em,v.v… Ở chiều ngược lại, các mặt hàng như: Đồ bảo hộ lao động, bộ comple, quần áo y tế, quần jeans lại tăng nhanh.

Đáng chú ý là sự đa dạng hóa về thị trường xuất khẩu, sản phẩm cũng như khách hàng. Chưa năm nào Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường như năm nay, tới 104 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, từ quý IV/2023, nhiều khách hàng lớn đã quay trở lại với ngành dệt may Việt Nam sau quá trình khó khăn. Đó là tín hiệu tốt tạo đà cho năm 2024.  

Đại diện VITAS cho rằng năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Thách thức với doanh nghiệp dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh.

Cụ thể, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do (trong đó có 16 FTA đã ký kết và thực thi; 3 FTA đang trong quá trình đàm phán) và là quốc gia duy nhất ký kết Hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm